1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thôi nghề "sang chảnh" về quê tự làm bà chủ Homestay

Nghĩ mình là "phận má hồng" mà cứ nay đây, mai đó thì không ổn, cô gái người Dao đỏ Lý Tả Mẩy, bản Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã quyết định bỏ nghề "sang chảnh", về quê tự gây dựng cơ sở lưu trú Homestay. Thành công bước đầu từ dịch vụ Homstay-nhà nghỉ cộng đồng đã giúp cô gái người Dao “bỏ túi” trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Homestay của chị Mẩy thường xuyên được lễ tân gấp chăn, màn gọn gàng, dọn phòng sạch sẽ
Homestay của chị Mẩy thường xuyên được lễ tân gấp chăn, màn gọn gàng, dọn phòng sạch sẽ

"Sang chảnh" cũng là làm thuê

Chị Mẩy sinh ra và lớn lên ở bản Tả Chải, xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Do thường xuyên được tiếp xúc với khách du lịch là người nước ngoài nên chị Mẩy chịu khó học tiếng Anh ngay từ hồi nhỏ. Năm 2007, chị Mẩy xin vào làm cho dự án Oxfam đang triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa.

Tại đây, chị Mẩy cũng thường xuyên được tiếp xúc với người nước ngoài nên khả năng nói tiếng Anh của chị ngày càng nâng lên. Vốn ham học hỏi, chị Mẩy mua sách tiếng Anh về tự học để có thể thông thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc viết. Sau 2 năm làm cho dự án, cảm thấy vốn tiếng Anh của mình kha khá, chị Mẩy xin vào làm hướng dẫn viên du lịch cho 1 công ty du lịch ở Sa Pa.

Cô gái người Dao đỏ Lý Tả Mẩy thông thạo 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh nhờ tinh thần ham học hỏi
Cô gái người Dao đỏ Lý Tả Mẩy thông thạo 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh nhờ tinh thần ham học hỏi

“Những năm đầu làm hướng dẫn viên du lịch, tôi rất thích, ai cũng chúc mừng tôi, bọn trẻ thì bảo tôi làm hướng dẫn viên du lịch là "nghề sang chảnh" lắm đấy. Vì làm du lịch được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Nhưng sau đó nghĩ lại, thấy không ổn. Thứ nhất, phận má hồng như mình nếu mình cứ đi biền biệt quanh năm, suốt tháng thì sẽ không có thời gian chăm sóc chồng con sau khi lập gia đình. Thứ nữa, dù có làm nghề "sang chảnh" thật nhưng cũng chỉ là làm thuê. Thế là tôi quyết đinh từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch sau gần 6 năm trời gắn bó...” – chị Mẩy nhớ lại.

Chị Mẩy giới thiệu với du khách về nết văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ
Chị Mẩy giới thiệu với du khách về nết văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ

Trong thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, chị Mẩy thường xuyên dẫn khách đi tham quan các tỉnh khu vực Tây Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...Thấy một số người dân ở các tỉnh này làm thành công mô hình Homestay, chị Mẩy rất thích và dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn. Sau khi bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Mẩy trở về quê, định làm Homestay luôn nhưng do chưa hội tụ đủ những yếu tố cần thiết nên chị đành gác lại.

Bà chủ người Dao làm nhà Homestay người Thái

“Với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm du lịch cộng với kỹ năng tiếp cận, cách chăm sóc du khách, tôi tin mình làm Homestay sẽ thành công. Ngặt nỗi khi đó vừa thiếu vốn lại chưa tìm được địa điểm thích hợp nên tôi đành hoãn lại...” – chị Mẩy cho hay.

Chị Mẩy cho biết: Ở bản Tả Chải nói riêng, xã Tả Phìn nói chung đã có nhiều gia đình làm Homestay nhưng chưa mấy thành công, không thu hút được khách đến nghỉ ngơi. Đây cũng là 1 trong lí do mà chị Mẩy muốn làm Homestay và muốn mô hình này thành công.

Khác với các hộ làm Homestay trong bản theo kiểu nhà truyền thống của người Dao, chị Mẩy lại chọn làm nhà sàn theo phong cách của người Thái. Ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ của chị Mẩy nhanh chóng được dựng lên, trước sự ngưỡng mộ của người dân bản xứ. Khách đến nghỉ ngơi tại Homestay của chị Mẩy không tiếc lời khen ngợi và rất hài lòng trước sự mến khách của gia chủ.

Nhiều sản phẩm do chính tay phụ nữ người Dao đỏ làm trở thành những món quà lưu niệm của du khách khi đến Tả Phìn
Nhiều sản phẩm do chính tay phụ nữ người Dao đỏ làm trở thành những món quà lưu niệm của du khách khi đến Tả Phìn

Ngôi nhà sàn của chị Mẩy không trống hơ, trống hoác như nhà sàn của nhiều hộ đồng bào Thái mà có vách gỗ bao quanh, có cửa ra, vào...

“Khách du lịch tìm đến các bản làng vùng cao là để thỏa mãn sự trải nghiệm và nghỉ ngơi trong sự yên bình. Hiểu rõ tâm lí của du khách, tôi dành riêng tầng 2 để phục vụ khách nghỉ ngơi. Còn tầng 1 phục vụ nhu cầu ăn uống của khách và làm phòng nghỉ cho gia đình mình...” – chị Mẩy thông tin.

Homestay của chị Mẩy có 1 phòng tập thể với những chiếc giường được kê san sát, có ri đô ngăn cách. Chăn đệm luôn được gấp gon gàng, sạch sẽ. Nhà tắm, nhà vệ sinh có bình nóng lạnh, có bồn gỗ pơ mu phục vụ nhu cầu tắm lá thuốc của người Dao đỏ... Ngoài phòng tập thể, chị Mẩy làm thêm 3 phòng riêng rẽ phù hợp cho các cặp vợi chồng, những đôi tình nhân...

Đầu năm 2017, chị Mẩy bắt đầu đón, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Sẵn có kỹ năng tiếp xúc, tiếng Anh, chăm sóc khách du lịch, chị Mẩy lập trang web giới thiệu, quảng bá về mô hình Homestay của mình... Qua đó, khách đến sử dụng dịch vụ Homestay của chị Mẩy ngày một tăng lên.

Phòng nghỉ Homestay của chị Mẩy thoáng mát, yên tĩnh đáp ứng yêu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch
Phòng nghỉ Homestay của chị Mẩy thoáng mát, yên tĩnh đáp ứng yêu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch

Đến Homestay của chị Mẩy, du khách không chỉ được tận hưởng không gian yên tĩnh, mà còn được phục vụ ăn uống với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào Dao đỏ như: cá nướng, gà nướng...

Theo chị Mẩy, bình quân một tháng, chị đón khoảng 50 lượt khách đến nghỉ ngơi, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài. Thông thường, các đoàn khách nghỉ từ 1 – 2 tối...

“Làm Homestay nhàn hơn nhiều so với làm hướng dẫn viên du lịch, thu nhập cũng khá. Tuy mới làm song bình quân một tháng tôi cũng “đút túi” trên dưới 10 triệu đồng. Mức thu này tuy chưa cao song tôi cũng có cảm giác an toàn, thoải mái hơn vì... được làm bà chủ” – chị Mẩy thật thà vui vẻ nói.

Theo Danviet.vn