Thời điểm tính hưởng thâm niên đối với nhà giáo
Bà Nguyễn Thị Lành (Hải Dương) giảng dạy tại trường THCS từ năm 2010 (đã trừ 1 năm tập sự), đến năm 2012 thì trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục. Bà Lành đóng BHXH từ khi đi làm, kể cả thời gian tập sự.
Theo hướng dẫn của kế toán nhà trường, bà Lành được tính phụ cấp thâm niên từ khi trúng tuyển viên chức. Bà Lành hỏi, thời gian công tác hưởng phụ cấp thâm niên với trường hợp bà được tính từ năm 2010 hay từ năm 2012 khi trúng tuyển viên chức?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời bà Lành như sau:
Theo quy định tại Điểm 2 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là:
"a. Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;
b. Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên".
Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc tại cơ sở giáo dục công lập; cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Do thông tin bà Nguyễn Thị Lành cung cấp: "…giảng dạy tại trường THCS từ năm 2010 (đã trừ 1 năm tập sự)" không rõ, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một tình huống để bà tham khảo:
Nếu bà giảng dạy và đóng BHXH bắt buộc từ tháng 9/2009; đến năm 2012 được tuyển dụng làm giáo viên thì sau khi đã trừ thời gian tập sự, thử việc (với trình độ đại học là 12 tháng) đến tháng 10/2015, bà được tính hưởng 5% phụ cấp thâm niên nhà giáo (với điều kiện trong thời gian từ 2009-2015, bà không có thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điểm 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP).
Theo Chinhphu.vn