1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tính tiền truy lĩnh chênh lệch phụ cấp thâm niên nghề

Bà Hoàng Oanh (tỉnh Phú Thọ) hiện làm kế toán trường học, đề nghị giải đáp về việc truy lĩnh chênh lệch tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với trường hợp một giáo viên của trường bà.

Bà Phương được hưởng phụ cấp chức vụ mức 0,2 đến tháng 8/2015. Từ tháng 9/2015 có quyết định thôi hưởng phụ cấp chức vụ. Tháng 10/2015, bà Phương nhận được quyết định tăng phụ cấp thâm niên nhà giáo từ 12% lên 13%, tính hưởng từ ngày 1/7/2014, thực hiện việc truy lĩnh chênh lệch trong tháng 10/2015. Tuy nhiên, từ tháng 11/2014 đến tháng 4/2015, bà Phương nghỉ sinh, chế độ do BHXH chi trả.

Bà Oanh hỏi, vậy, việc tính truy lĩnh chênh lệch tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo cho bà Phương như thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Oanh hỏi như sau:

Theo Điều 3, Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo Mục IV Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT ngày 8/12/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập, thì mức phụ cấp 0,20 áp dụng đối với chức vụ tổ trưởng chuyên môn (không phân biệt hạng trường). Phụ cấp chức vụ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH.

Theo Mục II Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT và Điểm c, Khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 28, Điều 35 Luật BHXH năm 2006, điều kiện hưởng chế độ thai sản là lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc nhân với số tháng nghỉ sinh con theo chế độ.

Việc truy lĩnh tiền chênh lệch

Trong mức đóng BHXH trước khi nghỉ thai sản của cô giáo Phương có 12% phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp chức vụ hệ số 0,2, nên trong mức hưởng chế độ thai sản 6 tháng (từ tháng 11/2014 đến tháng 4/2015) do BHXH chi trả đã có 12% phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp chức vụ hệ số 0,2.

Tháng 10/2015, cô giáo Phương có quyết định tăng phụ cấp thâm niên nhà giáo từ 12% lên 13%, tính hưởng từ ngày 1/7/2014, việc truy lĩnh tiền chênh lệch được thực hiện trong tháng 10/2015, tính như sau:

- Tiền chênh lệch phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 7/2014 đến hết tháng 10/2014 là: 4 tháng x 13% x (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ hệ số 0,2) – 4 tháng x 12% x (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ hệ số 0,2).

- Tiền chênh lệch phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 5/2015 đến hết tháng 8/2015 là: 4 tháng x 13% x (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ hệ số 0,2) – 4 tháng x 12% x (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ hệ số 0,2.

- Tháng 9/2015, không còn phụ cấp chức vụ nên tiền chênh lệch phụ cấp thâm niên nghề của tháng 9/2015 là: (13% x mức lương hiện hưởng) – (12% x mức lương hiện hưởng).

Theo chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.