Hà Nội: Đông giá hơn 10 độ C, thợ nước đá vẫn miệt mài làm việc
(Dân trí) - Bất chấp giá rét đỉnh điểm của Hà Nội những ngày qua, chàng trai người Mông vẫn "ôm ấp" những cây nước đá lạnh buốt tới -20 độ C để phục vụ trong quá trình vận chuyển hải sản.
Chàng trai người Mông giao nước đá
Trong cái lạnh 10 độ C, Thào A Vừ (quê ở Tủa Chùa, Điện Biên) vẫn miệt mài làm việc trong xưởng sản xuất nước đá tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Gần 1 năm qua, chàng trai người Mông 24 tuổi này đã gắn bó với những cây nước đá tại xưởng, dù ngày nắng mưa hay giá rét.
Theo xe vận chuyển đá tới khu chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), anh nhanh nhẹn bốc từng cây đá từ ô tô xuống xe đẩy và mang đi giao cho từng gian hàng của các tiểu thương buôn thủy sản.
Công việc giao đá của Thào A Vừ không kể ngày hay đêm, mùa hè hay mùa đông. Cứ có khách gọi điện là anh sẵn sàng giao đá. Mỗi tảng đá có trọng lượng 50kg, để thuận tiện cho việc vận chuyển, anh chia chúng làm đôi.
Những ngày mùa đông, lượng khách hàng mua đá giảm đáng kể so với mùa hè. Nhưng công việc của anh Thào A Vừ lại khó khăn hơn gấp nhiều lần khi cả ngày phải làm việc bên những tảng đá lạnh -20 độ C.
Khoác trên người lớp áo mỏng, Thào A Vừ chia sẻ: "Chỉ cần rơi một cái là cả tảng đá vỡ tan, nên khi giao cho khách phải cẩn thận, nhất là lúc chuyển lên xe phải ôm chặt. Nước đá tan ra thấm vào quần áo, da thịt lạnh thấu xương".
Cái lạnh giá của mùa đông Hà Nội, càng lạnh buốt hơn khi phải hàng ngày anh làm việc với đá. mỗi tháng Thào A Vừ được trả tiền công là 7 triệu đồng. Số tiền này anh dành dụm gửi về phụ giúp vợ nuôi con nhỏ và đỡ đần bố mẹ già.
"Những hôm bê nước đá nhiều, bàn tay tôi sưng tấy lên vì lạnh buốt. Lúc nào nghỉ phải ngâm nước ấm không thì hôm sau không thể làm được. Không chỉ lạnh, làm nghề này cũng phải cẩn thận lúc chặt đá cũng rất dễ bị bắn vào mắt" - Thào A Vừ chia sẻ.
Xuống Hà Nội làm qua người quen giới thiệu, Thào A Vừ không nghĩ sẽ làm công việc vật vả, nặng nhọc lại đặc biệt nhọc nhằn vào mùa đông này. Tuy nhiên với mức lương được chủ xưởng đá trả vẫn cao hơn nhiều so với thu nhập công việc ở quê nhà Điện Biên.
"Tôi cố gắng làm việc ở đây, hy vọng cuối năm về đủ tiền mua một chiếc xe máy để tiện cho việc đi lại trên bản rồi sắm sửa quần áo mới, đóng học cho các con" - Thào A Vừ tâm sự.
Nghề không nhàn hạ
Làm nghề sản xuất đá cây để phục vụ nhu cầu vận chuyển thủy, hải sản của các lái buôn đã 7 năm, chị Lê Thị Thoa trú tại Hoàng Long (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: "Làm nghề đá này thì có khách quanh năm không sợ ế. Đá được dùng để giảm nhiệt độ cho thủy sản, giúp cá không bị chết ngạt".
Trước đây chị Lê Thị Thoa làm nghề buôn cá. Sau khi phải di chuyển hàng chục km để lấy đá lạnh, chị học tập mô hình, mua máy móc về sản xuất đá cây tại địa phương để bán.
Nơi chị đang sinh sống là vùng có nhiều ao nuôi thủy sản, đặc biệt là các loại cá nước ngọt, để vận chuyển cá đi các vùng lân cận, nhu cầu mua đá để làm lạnh là tất yếu.
Những ngày cao điểm, xưởng sản xuất đá cây của chị Lê Thị Thoa bán ra khoảng 600 cây đá, sau khi trừ chi phí chị thu gần về gần 1 triệu đồng/ngày.
"Để có đồng ra đồng vào, tôi phải làm việc vất vả. Những cây đá lạnh buốt vào ngày đông và ướt át. Đêm hôm phải kiểm tra máy móc liên tục, tránh trường hợp ngừng hoạt động là cả kho đá tan chảy hết..." - chị Lê Thị Thoa nói.
Những ngày nhiệt độ xuống thấp, đôi bàn tay chai sạm của chị vẫn ôm từng cây đá nặng cả chục kg cho khách. Theo chị Lê Thị Thoa, đá mới đưa ra khỏi khay dùng găng tay cao su sẽ bị dính, găng len thì thấm nước càng khiến cho đôi tay thêm buốt, cách tốt nhất là dùng tay không để làm việc.
Trong kho đá, nhiệt độ do đá tỏa ra luôn ở mức thấp, những ngày mùa đông rét buốt, chị Lê Thị Thoa và chồng thay nhau túc trực 24/24 để trông coi máy móc vận hàng cũng như sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Làm nghề buôn đá tại Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Lê Văn Minh tâm sự: "Làm cái nghề này nhọc nhằn lắm, những tảng đá nặng 50kg nên việc vận chuyển rất khó khăn. Để đá không tan nhanh nên khách yêu cầu phải giữ nguyên cả tảng hoặc chỉ chặt làm đôi".
Khu vực để đá của anh Lê Văn Minh, hơi lạnh bốc lên thấm vào da thịt. Làm việc ngoài trời ở miền Bắc những ngày này đã khó khăn, công việc của anh còn nhọc nhằn gấp nhiều lần.
Bán đá tại địa điểm trung chuyển thủy sản nên công việc của anh bất kể ngày đêm. Theo anh Lê Văn Minh, để giữ cho thủy sản được tươi sống nên người làm công việc ngày cũng cần sức khỏe và sự nhanh nhẹn.
Làm công việc bán đá, anh Lê Văn Minh mong rằng thời tiết trở nên ấm áp hơn phần vì đỡ lạnh, phần vì sẽ bán được nhiều hàng hơn.