Quảng Ninh:
Thợ lò 9X, lương 26 triệu đồng/tháng chia sẻ bí quyết nghề
(Dân trí) - "Lần đầu xuống mỏ, tôi sợ hãi trước hầm sâu và tối. Nhưng đi miết rồi quen. Tôi cũng đặt ra câu hỏi: Sao mọi người làm được? Sau quen dần công việc và không còn sợ hãi nữa..." - Nguyễn Văn Thà kể.
Bằng sự đam mê và mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn, thợ lò Nguyễn Văn Thà không chỉ tạo dựng được sự tin yêu của đồng nghiệp, lãnh đạo công ty và còn có thu nhập “khủng” mỗi tháng.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và thợ lò Nguyễn Văn Thà (Phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Dương Huy) diễn ra trong căn phòng nhỏ tại trụ sở công ty trước giờ vào ca 2 của ngày làm việc.
Nguyễn Văn Thà có khuôn mặt hiền lành, nụ cười dễ mến và giọng nói nhỏ nhẹ rất thuyết phục người đối diện.
Thà kể, vốn sinh ra ở Trực Ninh, Nam Định trong gia đình thuần nông. Cơ duyên đến với nghề của Thà cũng rất đơn giản, khi học xong vì muốn học nghề, tìm việc kể cả đi làm xa để có cơ hội phụ giúp gia đình. Khi một số người họ hàng đang làm thợ lò rủ giới thiệu, Thà đã quyết định rời quê hương đi lập nghiêp.
Sau 2 năm theo học trung cấp (Khoa Khai thác hầm lò, trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh), năm 2011 tốt nghiệp, Thà về làm việc tại Phân xưởng Đào lò cơ giới thuộc Công ty than Dương Huy (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Thà kể, ngay từ thời kỳ thực tập, lần đầu tiên xuống hầm lò đã bị cảm giác sợ hãi bủa vây bởi vừa sâu, vừa tối.
“Nhưng đi miết rồi cũng quen. Tôi cũng luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao mọi người làm được mà mình lại không? Từ đó, quen dần công việc và không còn sợ hãi nữa. Giờ thì đường lò, tôi thuộc như trong lòng bàn tay. Ngày nào không xuống là cảm thấy thiếu vắng”, Thà nói!
Thế nhưng với nghề thợ lò, không đơn giản chỉ là vượt qua cảm giác sợ hãi ban đầu, mà còn là đối mặt với sự cố. Suốt những năm tháng miệt mài, cần mẫn trong đường lò, không ít lần Nguyễn Văn Thà cùng các đồng nghiệp gặp sự cố.
Lần đang làm việc, bất ngờ than tụt lỗ tràn xuống vít gần kín đường lò khiến mọi người phải nỗ lực xúc than để mở đường. Lần đang làm phía dưới thì phía trên bục túi nước. Sự cố làm hàng chục công nhân bị nước cuốn trôi xuống. Rất may, mọi người tìm đường hầm khác thoát kịp ra ngoài.
Khi được hỏi tại sao khó, khổ và hiểm nguy như vậy nhưng vẫn bám trụ với nghề thì Nguyễn Văn Thà cười hiền lành nói: “Lựa chọn thì ai cũng có, nhưng khi đã chọn, đã bén duyên và đã say nghề thì dù vất vả, hiểm nguy mấy cũng sẽ vượt qua được hết. Thậm chí còn coi đó là niềm vui, là động lực phấn đấu”.
Theo lãnh đạo công ty than Dương Huy, không chỉ đam mê, cần mẫn với nghề, Nguyễn Văn Thà còn được coi là cây sáng kiến trong công việc.
Trong quá trình làm việc dướt hầm lò, với kinh nghiệm 9 năm trong nghề, Thà đã nhiều lần phát hiện những khu vực có dấu hiệu tụt lở kịp thời và tổ chức khắc phục, đảm bảo an toàn cho công nhân trong ca làm việc.
Cũng theo lãnh đạo công ty, sau khi chuyển sang Phân xưởng Đào lò 2, Thà cũng đã cùng với các công nhân gồm toàn những người có tay nghề tốt, nhiệt tình trách nhiệm trong công việc, xử lý những vị trí sản xuất khó.
Đây cũng là nhóm thợ có năng suất lao động cao nhất, một ca sản xuất có thể đi hết 3 vì với 2,1 mét lò đào mới.
Chính từ đam mê, chịu khó, có trách nhiệm với công việc, thu nhập bình quân của Nguyễn Văn Thà ngày một nâng lên.
Nếu như những năm đầu tiên vào nghề Thà chỉ đạt mức lương từ 13 - 14 triệu đồng/tháng thì đến nay đã đạt tới mức 25 - 26 triệu đồng/tháng (tương đương 25 đến 26 công/tháng).
Thu nhập “khủng” đã mang lại cho thợ lò Nguyễn Văn Thà một cuộc sống ổn định, ấm no, một gia đình nhỏ bình an và hạnh phúc. Hay nói theo cách của Thà là “Yêu nghề thì nghề sẽ không phụ”.
Không chỉ có thu nhập khủng, Nguyễn Văn Thà còn được Đảng ủy Công ty than Dương Huy biểu dương gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” tiêu biểu của tháng 8.
Theo ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty than Dương Huy, Thà là người rất chịu khó, cần mẫn và tâm huyết với nghề. Những người thợ mỏ như Nguyễn Văn Thà với thu nhập nghìn đô bây giờ có rất nhiều không chỉ ở Than Dương Huy mà trong cả Tập đoàn TKV.
"Đó là lớp công nhân mới - thế hệ công nhân của thời kỳ 4.0, đã có sự cân nhắc, lựa chọn trước khi vào nghề, trải qua quá trình làm việc với nhiều cố gắng nên hiểu sâu sắc về nghề để có thể yêu và gắn bó lâu dài với niềm tin giản dị”, ông Trần Mạnh Cường, cho biết.