Thợ đánh giày tìm khách qua điện thoại, thu nhập tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Với ứng dụng đánh giày công nghệ, anh Lê Văn Tân cùng cộng sự không chỉ nâng tầm nghề từng bị xem thường mà còn tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho nhiều thợ đánh giày truyền thống.
Nghề đánh giày "lên hương"
Ngay khi ra mắt, ứng dụng đánh giày của anh Tân (33 tuổi, ở Hà Nội) và cộng sự đã nhận được sự quan tâm lớn với hơn 2.000 khách hàng và dự định tăng lên 50.000 người dùng trong năm nay.
Anh Tân chia sẻ, trong một lần ngồi cà phê cùng bạn bè tại Hà Nội, anh tình cờ chứng kiến cảnh một người thợ đánh giày vào quán mời khách sử dụng dịch vụ. Hình ảnh người thợ đánh giày khắc khổ cùng thái độ không mấy thiện cảm từ những người xung quanh khiến anh suy nghĩ mãi.
Điều này gợi anh nhớ đến hình ảnh của những người lái xe ôm truyền thống trước đây, cũng từng bị nhìn nhận không mấy tích cực trước khi công nghệ được ứng dụng.
Anh cũng từng trải nghiệm công việc đánh giày truyền thống để hiểu hơn về nghề và gặp một vị khách khiến anh nhớ mãi. Người đó giơ chân lên trước mặt anh, ngầm ra hiệu rằng anh phải cởi giày cho họ rồi mới đánh. Điều này khiến anh rất buồn, có lẽ do bộ quần áo nhạt màu và chiếc mũ cũ nát khiến anh bị coi thường.
Anh tự hỏi: "Nếu có một ứng dụng công nghệ dành cho nghề đánh giày, liệu mọi người có cái nhìn khác hơn về người thợ và công việc này không?".
Chính từ ý tưởng đó, anh quyết định lập ra ứng dụng đánh giày công nghệ đầu tiên tại Việt Nam sau 4 năm ấp ủ, mở một hướng đi mới cho nghề đánh giày trong kỷ nguyên số.
Là một mô hình dịch vụ mới, ban đầu ứng dụng gặp khó khăn trong việc tiếp cận người dùng do chưa có thước đo cụ thể để đánh giá hiệu quả. Đối với khách hàng, việc sử dụng ứng dụng vẫn chưa trở thành thói quen. Việc đó tạo ra một rào cản lớn trong việc phổ biến dịch vụ.
Ngoài ra, công ty cũng đối mặt với nhiều thách thức khác liên quan đến đội ngũ thợ đánh giày. Việc tiếp cận và chuyển đổi số đối với họ là một việc khó nhằn, bởi đa số đều thuộc nhóm người cao tuổi, hoàn cảnh éo le.
Quá trình đào tạo vì thế phải được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các tính năng cơ bản để họ có thể sử dụng hiệu quả trong công việc.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi công ty phát tờ rơi quảng cáo ứng dụng tại các quán cà phê. Đội ngũ nhận được rất nhiều phản hồi từ khách hàng, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Có người ngạc nhiên trước sự hiện đại: "Ô, bây giờ đánh giày còn có cả app à? Hay đấy, tôi đăng ký thử xem!".
Ngược lại, cũng có những lời góp ý không mấy lạc quan: "Sớm muộn gì cũng đóng cửa thôi". Dù vậy, với lòng nhiệt huyết, anh vẫn luôn động viên mọi người tiếp tục cố gắng và làm việc mỗi ngày. Chính điều đó khiến anh tin rằng ứng dụng đánh giày công nghệ sẽ sớm được thị trường đón nhận.
Anh Tân cũng chưa từng có suy nghĩ muốn từ bỏ dự án. Từ khi bắt đầu, anh luôn tự hào về những gì mình làm. Ứng dụng không chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập cho thợ giày mà còn góp phần thay đổi hình ảnh của nghề đánh giày trở nên tốt đẹp, văn minh, bao hàm giá trị nhân văn hơn.
Đánh giày thu nhập "khủng"
Nhờ ứng dụng, cuộc sống của nhiều thợ đánh giày đã ổn định hơn, với thu nhập trung bình mỗi ngày từ 500.000 đồng trở lên, thậm chí những ngày cao điểm thu nhập có thể lên tới hàng triệu đồng.
Khác với phương thức đánh giày truyền thống, thợ đánh giày công nghệ tìm khách hàng qua ứng dụng trong bán kính nhỏ, chỉ khoảng 3km, giá niêm yết chỉ 15.000-20.000 đồng/đôi.
Điều này giúp họ không phải đi qua nhiều ngõ ngách hay hàng quán để mời chào mà chỉ cần đến nơi "nổ" đơn hàng.
Theo anh Tân, ứng dụng sở hữu nhiều tính năng đặc biệt hứa hẹn thay đổi ngành đánh giày.
Người dùng có thể đặt lịch chăm sóc giày ở mọi nơi, theo dõi lộ trình và thông tin thợ giày, trải nghiệm quy trình chăm sóc giày 9 bước.
Từ đó, cách vận hành nghề đánh giày được nâng tầm, tính chuyên nghiệp của người làm dịch vụ cũng cao hơn. Nhân viên được trang bị mặc đồng phục, đeo thẻ và có đồ nghề chuyên dụng để phục vụ khách hàng.
Cam Ly