Thiếu hụt lao động sau giãn cách, Đà Nẵng đưa ra giải pháp gì?
(Dân trí) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp để "kéo" người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay.
100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng
Ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng - cho biết, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là lớn nhưng số lao động đáp ứng không đạt yêu cầu.
Nguyên nhân là do mức lương các doanh nghiệp đưa ra thấp không thu hút được người lao động, công việc không phù hợp. Nhiều lao động có trình độ đại học, cao đẳng nhưng không đúng ngành doanh nghiệp đang cần. Thậm chí có nhiều sinh viên trường nghề ra trường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về trình độ, chuyên môn nghề nghiệp, tác phong và ý thức lao động.
Bên cạnh đó, nhiều lao động có tâm lý e ngại khi tham gia ứng tuyển bởi phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Nguyên nhân nữa đến từ việc số lao động thất nghiệp trước đó ở Đà Nẵng đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ của địa phương và Chính phủ, cộng với tâm lý vẫn còn "sợ dịch" nên chưa vội tìm việc mới.
Theo ông Hoàng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu gặp khó khăn. Qua theo dõi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh công nghiệp giữ vững hoạt động, góp phần giữ ổn định và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực du lịch khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống, dịch vụ… đều tạm thời ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng, việc làm và thu nhập giảm. Theo đó, tình hình lao động, việc làm, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.
Tại các khu công nghiệp, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, do thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả tại các doanh nghiệp nên việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp vẫn được duy trì tương đối ổn định.
Thành phố hiện có 8 khu công nghiệp gồm 503 doanh nghiệp hoạt động với số lượng hơn 67.500 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thời điểm dịch bùng phát tại thành phố đạt hơn 80% (hiện có 96 doanh nghiệp ở khu công nghiệp ngừng hoạt động).
Hiện nay, khi dịch Covid-19 tại thành phố đã kiểm soát, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã có nhu cầu tuyển dụng.
"Nguyên nhân có nhiều việc làm trong giai đoạn này đến từ việc thành phố khôi phục hoạt động sản xuất bình thường và quan trọng hơn cả là có rất nhiều đơn hàng từ các khu công nghiệp ở nhiều địa phương khác trong cả nước dịch chuyển về Đà Nẵng do địa phương duy trì được sản xuất trong thời điểm dịch bệnh", ông Hoàng thông tin.
Ông Hoàng cũng cho hay, hiện có gần 100 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng, như Công ty TNHH Max planning Vina, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa thọ, Công ty TNHH Kad Industrial SA Việt Nam, Công ty cổ phần Trung Nam Electronics Manufacturing Services… với số lượng hơn 5.000 người.
Dự báo từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, thương mại, dịch vụ… phục hồi hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hơn 141.000 người.
Tại thành phố có 914 doanh nghiệp FDI hoạt động, đây là số doanh nghiệp dự báo có nhu cầu tuyển dụng lớn, tập trung ở các lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, du lịch, khách sạn nhà hàng, dệt may, da giày... hơn 17.000 người.
Giải pháp phục hồi thị trường lao động
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, để khắc phục và phục hồi thị trường lao động, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp.
Cụ thể, khẩn trương đưa phần mềm "Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động" vào hoạt động, để kịp thời phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng thị trường.
Tổ chức triển khai kế hoạch nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động. Tiếp tục triển khai thực hiện việc thu thập và cập nhật thông tin cung, cầu lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cũng thực hiện các giải pháp duy trì và giải quyết việc làm, chú trọng hỗ trợ, bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp. Tăng cường công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; trình UBND thành phố về mức hỗ trợ đào tạo cho phù hợp hơn, mở rộng đối tượng hơn để người lao động có cơ hội học nghề, chuyển đổi ngành nghề.
"Ngoài các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại 3 địa điểm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm, chúng tôi cũng khẩn trương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo nghề… đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Lồng ghép các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào cùng các phiên giao dịch việc làm định kỳ để "kéo" người lao động về Đà Nẵng", ông Hoàng cho biết thêm.