Thiếu hụt lao động đi Nhật dù lương tới 50 triệu đồng/tháng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực điều dưỡng, cơ khí, sản xuất thức ăn nhanh... với mức lương 50 triệu đồng/tháng.

Chạy xe ôm, làm bốc vác để chờ... ngày bay!

Thiếu hụt lao động đi Nhật dù lương tới 50 triệu đồng/tháng - 1

Nhiều thực tập sinh bị ảnh hưởng kế hoạch xuất cảnh vì Covid-19 (Ảnh: P.N).

Nguyễn Thu Hoài (22 tuổi, quê Vĩnh Long) cho hay cô đã đăng ký chương trình thực tập sinh tại một công ty xuất khẩu lao động từ tháng 8/2019. Dự kiến, tháng 6/2020, Hoài bay sang Nhật để nhận việc nhưng dịch Covid-19 khiến kế hoạch thay đổi, cuộc đời của cô gái trẻ bị đảo lộn.

"Tháng 9/2019, em bắt đầu nhập học, tháng 3/2020 thì em thi đậu phỏng vấn đơn hàng điều dưỡng. Khi ấy em vui lắm, em nghĩ cuộc đời mình sắp được bước sang một quá trình mới với những thành công chờ đón, với cơ hội làm việc kiếm tiền gửi về cho ba mẹ trả nợ. Em cũng đã chuẩn bị mọi kỹ năng để sống ở Nhật Bản... Nhưng dịch Covid-19 ập đến, kế hoạch bay hoãn đến bây giờ", Hoài buồn bã kể.

Ngày biết bị hoãn bay, Hoài nằm trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 ở quận Tân Bình, khóc nức nở. Cô gái trẻ một phần buồn vì bao dự định ngưng trệ, một phần lo lắng ba mẹ biết làm gì để kiếm tiền trả nợ.

"Nhà em ở quê nghèo lắm. Ba mẹ phải đi vay mượn khắp nơi để em có tiền đóng học phí và ăn ở trong thời gian chờ bay. Theo kế hoạch, em sẽ đi Nhật vào tháng 6/2020 và hàng tháng sẽ gửi tiền về để ba mẹ trả nợ. Do vậy, từ khi hoãn bay, em phải làm thêm cả ngày lẫn đêm để kiếm 10 triệu đồng/tháng gửi về cho ba mẹ. Giờ hành chính, em làm điều dưỡng ở phòng mạch, ban đêm, em làm shipper", cô gái quê Vĩnh Long trải lòng.

Thiếu hụt lao động đi Nhật dù lương tới 50 triệu đồng/tháng - 2

Ngoài giờ học kỹ năng và tiếng Nhật, nhiều thực tập sinh đi làm thêm để kiếm tiền trả nợ (Ảnh: P.N).

Vừa đi làm, Hoài vừa tiếp tục rèn luyện tiếng Nhật và kỹ năng điều dưỡng đề chờ đợi cơ hội xuất ngoại. Thời gian cày 24/7 để kiếm tiền ở TPHCM, Hoài càng quyết tâm hơn với hành trình xuất khẩu lao động.

"Em không được học hành đầy đủ như bạn bè nên giờ đi làm gì cũng khó, mức lương rất thấp. Em cũng đã cố gắng rất nhiều nhưng thực tế, để kiếm được công việc mức lương 15 - 20 triệu thời điểm này là không thể. Em nghĩ, đi Nhật sẽ rất khổ cực, khó khăn nhưng em chấp nhận vì thu nhập của em sẽ cao hơn, giúp ba mẹ trả nợ nhanh hơn", Thu Hoài chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh như Thu Hoài, Nguyễn Chiến Bình (21 tuổi, quê Long An) cũng bị tạm hoãn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản từ tháng 5/2020 đến nay. Gần 2 năm qua, Bình vừa phải chạy xe ôm, vừa đi bốc vác để kiếm tiền gửi về cho gia đình.

"Để ba mẹ yên tâm, em chỉ nói được công ty giới thiệu đi làm cơ khí trong lúc chờ bay, còn đi làm thêm em không nói. Em đi làm cơ khí tuần 3 ngày, những ngày còn lại em chạy xe ôm, buổi tối bốc vác ở gần bến xe miền Tây, thu nhập cũng hơn 10 triệu đồng/tháng", Bình kể.

Mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng vẫn thiếu "đầu vào"

Thiếu hụt lao động đi Nhật dù lương tới 50 triệu đồng/tháng - 3

Nghề điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản được tuyển dụng với mức lương 50 triệu đồng/tháng nhưng vẫn ít lao động phỏng vấn (Ảnh: P.N)

Ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty TNHH ESUHAI cho hay, sau 2 năm ngưng trệ, công ty đang khởi động lại việc đưa thực tập sinh đi lao động tại Nhật Bản. Số lượng lao động bị ngưng bay trong 2 năm qua của công ty khoảng 1.400 người.

"1.400 thực tập sinh đã hoàn thiện tất cả thủ tục, chỉ chờ bay thì dịch Covid-19 khiến các em chưa thể xuất cảnh. Một số em chờ lâu quá đã hủy chương trình đi xuất khẩu lao động. Dự kiến, năm nay công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ 1.400 thực tập đã hoàn thiện thủ tục đi Nhật Bản và phỏng vấn mới 600 người. Tuy nhiên, thời gian qua rất ít lao động đến phỏng vấn dù các công ty Nhật Bản tuyển dụng rất nhiều", ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, dịch Covid-19 kéo dài khiến việc xuất khẩu lao động gặp khó khăn. Thời gian qua, công ty cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ những thực tập sinh bị tạm hoãn xuất cảnh như giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo. Công ty cũng đã kêu gọi các đối tác ở Nhật Bản để họ hỗ trợ một phần kinh phí cho thực tập sinh trong thời gian chờ bay.

"Hiện nay, số lượng hồ sơ đầu vào đang rất ít. Nếu thực tập sinh đã hoàn thiện thủ tục mà mất tinh thần, bỏ về quê, bỏ dở chương trình xuất cảnh thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em, đến công ty và các đối tác. Lo nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, khi thiếu nguồn lao động từ Việt Nam sẽ tính toán tuyển dụng ở những thị trường khác", ông Sơn nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc công ty TNHH Dũng Giang cho biết: "Giờ đơn hàng của các đối tác Nhật Bản rất nhiều nhưng lại khan hiếm lao động. Nguyên nhân do nhiều lao động thấy những thực tập sinh phải chờ đợi lâu quá nên nản, không đăng ký phỏng vấn. Nghiệp đoàn của Nhật cũng không qua Việt Nam được nên việc tuyển dụng gặp khó khăn".

Theo ông Hà, phía Nhật đang cần tuyển rất nhiều điều dưỡng, hộ lý, lao động trong lĩnh vực sản xuất đồ ăn nhanh, cơ khí. Từ đầu năm đến nay, công ty đã đẩy mạnh việc thu hút đầu vào nhưng vẫn ít lao động đến phỏng vấn.

"Đối với ngành hộ lý, điều dưỡng... thời gian học tập khoảng 8 tháng là xuất cảnh. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lương, thưởng của nhóm ngành này vẫn ở mức cao, thậm chí tăng. Đơn cử, những lao động làm việc đến năm thứ 3 thì thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, thưởng khoảng 60 triệu đồng/năm", ông Hà nhấn mạnh.

Thời gian qua, khoảng 3% lao động đã hoàn thiện thủ tục xuất cảnh nhưng chờ bay quá lâu đã hủy hợp đồng. Những thực tập sinh chờ bay, công ty đã giới thiệu đến làm việc tạm thời tại một số công ty của Nhật Bản ở TPHCM với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Những thực tập sinh đang vay tiền của ngân hàng chính sách thì công ty hỗ trợ 50% lãi suất cho đến khi bay.