Thiệt thòi vì bất cẩn

Thiếu hiểu biết và bất cẩn khi ký hợp đồng lao động khiến người lao động gánh thiệt thòi về sau

“Sau khi xem xét thỏa thuận hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa hai bên có khoản mục bồi thường HĐLĐ, xét thấy khả năng tài chính chưa bảo đảm nên tôi đề nghị công ty chấp thuận cho tôi được ký gửi văn bằng gốc trình độ cao nhất của mình cho công ty trong thời gian làm việc”.

Đây là nội dung mẫu đơn đề nghị “ký gửi bằng gốc để bảo đảm việc bồi thường HĐLĐ” mà Công ty TNHH Đ.Y (quận 12, TP HCM) yêu cầu anh Nguyễn Cường, nhân viên kinh doanh, ký trước khi giao kết HĐLĐ.

Tùy tiện đặt ra quy định

Anh Cường cho biết trước khi ký HĐLĐ, anh được công ty cho tham khảo mẫu HĐLĐ. Theo đó, ngoài bản HĐLĐ chính quy định những điều khoản thông thường như thời hạn, công việc, nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp thì còn có thêm phụ lục hợp đồng.

Nội dung phụ lục quy định: “NLĐ phải bồi thường cho công ty 10 tháng lương nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hoặc không huấn luyện nhân sự kế thừa trước khi nghỉ việc, bị cho thôi việc vì hành vi trộm cắp tài sản, làm lộ bí mật công ty”.
Thiệt thòi vì bất cẩn
Ông Nguyễn Văn Xem - Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 12, TP HCM - tư vấn pháp luật cho người lao động Ảnh: Mai Chi

Chưa hết, công ty còn buộc anh Cường phải “tự nguyện” ký đơn đề nghị “được” nộp bằng cấp gốc theo mẫu soạn sẵn. Anh Cường kể: “Do cần việc làm, lại thêm lần đầu đi xin việc, không hiểu rõ quy định của pháp luật nên ngày 6-6-2014, tôi đã ký vào bản hợp đồng và phụ lục HĐLĐ mà công ty đưa ra; đồng thời nộp luôn bằng trung cấp chuyên nghiệp bản chính cho công ty”.

Đến đầu tháng 3-2015, anh Cường xin thôi việc. Dù được tổng giám đốc chấp nhận và không hề vi phạm những thỏa thuận trong phụ lục hợp đồng nhưng anh Cường vẫn không được công ty trả lại văn bằng. Công ty buộc anh phải thu hồi số công nợ 7 triệu đồng từ một khách hàng hoặc tự bỏ tiền ra trả thay khách hàng thì mới được nhận lại bằng.

Anh Cường bức xúc: “Theo quy định của công ty, sau khi nhân viên kinh doanh thông báo đơn đặt hàng thì các khâu giao hàng, thu tiền đều có bộ phận khác phụ trách; nếu phát sinh công nợ, bộ phận kế toán công nợ có trách nhiệm đi đòi. Không hiểu sao công ty lại bắt tôi phải thực hiện công việc ấy?”.

Chủ quan nên thiệt thòi

Pháp luật lao động quy định HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Song trên thực tế, nội dung các bản HĐLĐ đều do NSDLĐ soạn sẵn, tự đặt ra điều khoản có lợi hơn cho mình bất chấp nguyên tắc “tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội” được pháp luật quy định.

Về phía NLĐ, do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết, không xem kỹ nội dung HĐLĐ trước khi đặt bút ký, đến khi phát sinh tranh chấp mới phát hiện trong HĐLĐ có những điều khoản bất lợi cho mình.

Đơn cử như trường hợp của chị Lê Mỹ Hương, Trưởng Phòng Khách hàng trong nước khu vực phía Nam Công ty Du lịch F.C (trụ sở đặt tại Hà Nội). Chị Hương ký HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 2-1-2014, làm việc tại văn phòng ở TP HCM. Ngày 1-4-2015, giám đốc công ty đột ngột gửi email thông báo không muốn tiếp tục hợp tác với chị nữa và đề nghị chị hoặc là tự viết đơn thôi việc hoặc công ty sẽ ra quyết định chấm dứt HĐLĐ.

Chị Hương không đồng ý. Mọi việc chưa ngã ngũ thì ngày 16-4, công ty ra quyết định điều chuyển chị ra làm việc tại Hà Nội. Lúc này, chị Hương xem lại HĐLĐ để kiểm tra các điều khoản đã thỏa thuận thì mới té ngửa khi thấy mục địa điểm làm việc ghi “tại TP HCM hoặc chi nhánh khi có yêu cầu”.

“Khi ký HĐLĐ, tôi không để ý đến mục địa điểm làm việc, ai ngờ công ty lại lợi dụng điểm này để ép tôi nghỉ việc. Công ty thừa biết tôi có gia đình nên không thể đi làm xa; hơn nữa, tôi là trưởng phòng kinh doanh khu vực phía Nam mà lại bố trí ngồi làm việc ở Hà Nội thì kinh doanh kiểu gì?” - chị Hương bức xúc.

Nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ. Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, pháp luật chỉ quy định một số nội dung cơ bản, bắt buộc đối với HĐLĐ. Ngoài những nội dung ấy, NLĐ và NSDLĐ có thể thỏa thuận các điều khoản khác miễn không trái pháp luật. Để tránh rủi ro hoặc bị lừa dối khi ký HĐLĐ, NLĐ nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký.



Theo Báo Người lao động