1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thiết kế đồ hoạ: Ngành học “nóng”, việc làm “hẻo”

Trong những năm gần đây, thiết kế đồ hoạ được xem là một trong những ngành học VIP được nhiều bạn trẻ hướng đến. Nhưng liệu khi học xong, học viên ngành học này có dễ dàng tìm được công việc tốt, thu nhập cao như người ta vẫn tưởng?

“Sốt” ở các lớp học

 

Hiện ở TPHCM có rất nhiều trung tâm mở các lớp đào tạo về chuyên ngành thiết kế đồ hoạ như Trường Ngoại ngữ & Tin học Thời Đại Mới, Trung tâm KTHN Lê Thị Hồng Gấm, Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế...

 

Tuỳ vào khả năng kinh tế cũng như nhu cầu của người tham gia mà chương trình học được chia làm chương trình dài hạn (12, 14 hoặc 15 tháng) hay chương trình ngắn hạn (3 hoặc 7 tháng). Sau mỗi khoá học, học viên được cấp chứng chỉ để trở thành một nhân viên kỹ thuật thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp.

 

Theo lời của nhân viên tại các phòng ghi danh thì đối tượng học rất phong phú. Ngoài những người đứng tuổi đã đi làm thì số lượng học viên là giới trẻ chiếm đa số. Khi được hỏi lý do chọn học thiết kế trang web thì bạn Mai Trang (trường Gia Định) cho biết: “Người ta sử dụng Internet ngày càng nhiều thì vấn đề có một hệ thống cho phép người sử dụng kết nối được nhiều trang khác nhau là vô cùng cần thiết”. Trong tương lai, Mai Trang sẽ chọn ngành học có liên quan nên đây là “vốn” mà bạn tích luỹ dần tạo thuận lợi cho công việc sau này.

 

Với những học viên khác thì “một tờ poster, nhãn hiệu, logo hay bất kì sản phẩm in ấn nào dùng để quảng cáo cũng đều phải được thiết kế” nên đối với họ, trở thành nhà thiết kế đồ hoạ là sự lựa chọn hàng đầu. Chính vì vậy, nhiều trung tâm giảng dạy phải thường xuyên tuyển thêm giáo viên đồ hoạ, web và 3D để không “cháy” người dạy.

 

Nhiều bạn trẻ cho rằng, cầm trong tay chứng chỉ về thiết kế đồ hoạ thì không những có nhiều cơ hội việc làm, lương bổng “sáng sủa” mà còn được hoạt động trong môi trường tự do sáng tạo nữa. Nhưng đó chưa chắc là thực tế.

 

Vỡ mộng

 

Những người thành công với nghề thiết kế đồ hoạ thường bắt nguồn từ năng khiếu. Song để công việc hoàn thành tốt thì kỹ năng cũng đóng một vai trò không nhỏ. Nói như thế để thấy rằng không thể đánh đồng giữa một nhân viên thiết kế tốt nghiệp 5 năm đại học với một nhân viên thiết kế học theo chứng chỉ. Từ đó khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và cả cơ hội việc làm dành cho họ cũng khác nhau.

 

Một trưởng phòng thiết kế cho biết, khi tuyển nhân viên cho bộ phận của mình, anh không quá chú trọng đến bằng cấp mà chỉ cần họ làm được gì và thể hiện điều đó như thế nào. Tuy nhiên, sản phẩm của người được đào tạo bài bản luôn có sức thuyết phục hơn. Cho nên chiếc ghế trống sẽ thuộc về ứng cử viên tạo ra sản phẩm làm hài lòng nhà tuyển dụng.

 

Mặt khác, cũng có không ít công ty tuyển người mà họ cho rằng tay nghề còn non vào làm hoạ viên phụ giúp cho người thiết kế chính. Thực tế cho thấy, nhiều nhà tuyển dụng rất cân nhắc trong việc tuyển nhân viên thiết kế. Chính vì vậy, ngoài những người thực sự có năng lực ra thì rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp, để có chỗ làm ổn định không dễ chút nào.

 

Không những thế, tâm lý chung cho những ai theo ngành thiết kế đều nghĩ mình sẽ tạo ra được những sản phẩm độc đáo, tính thẩm mỹ cao... Nhưng khi đi làm lại bị gò bó bởi ý tưởng và yêu cầu của khách hàng nên dần cảm thấy chán, chai lỳ về ý tưởng. Theo họ, không thể cho phép mình cứ liên tục tạo ra những thiết kế hợm hĩnh, cẩu thả chẳng khác gì hàng chợ!

 

Có lẽ vì thế mà mặc dù được trả lương đến 4-5 triệu/tháng (lương thử việc) nhưng Bội Ngọc (tốt nghiệp Đại học Kiến trúc) sau một thời gian đành phải chia tay công việc không hề luyến tiếc. Nhiều trường hợp sau nhiều năm đi làm, quyết định chuyển nghề cũng không phải hiếm.

 

Những người thâm niên trong nghề cho rằng, các bạn trẻ chỉ nhìn thấy màu hồng của ngành thiết kế nên mới đổ xô đi học. Họ vội vàng mà quên không nghĩ rằng nếu cung lớn hơn cầu thì sự lựa chọn càng khắc nghiệt, những ai không có thực tài thì việc bị đào thải là tất yếu. Học vì thấy nhiều người theo, học vì thấy lợi ích mà nghề đem đến quá lý tưởng để cuối cùng lại vỡ mộng.

 

Cho nên không phải nhất thiết cứ ngành nghề nào được xem là “mốt”, là “nóng” thì đầu ra của nó cũng tỉ lệ thuận với đầu vào.

 

Theo Tố Trâm

Lao Động