Thị trường XKLĐ: doanh nghiệp “xắn tay” làm đào tạo

(Dân trí) - Việc Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo DN phải hạn chế đưa lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc trong thời gian tới đang trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu lao động đầu tư cho dạy nghề.

Nhu cầu rất cao

Cty CP Dịch vụ & Thương mại Hàng không (Airseco) là một trong những DN tiên phong trong việc đào tạo nghề cho người lao động. Công ty này đã đầu tư gần 3 tỉ đồng thành lập xưởng đào tạo thợ hàn công nghệ cao tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội với 30 máy hàn TIG, MIG, 3G, 6G công nghệ Italia, năng lực đào tạo 300 học viên/tháng. Đồng thời, Airseco cũng đầu tư 60 máy may của Nhật Bản, phục vụ đào tạo công nhân may mặc cung cấp cho thị trường Nga, Ukraina... Giáo viên đều là thợ bậc cao, có kinh nghiệm công tác tại nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Nguyễn Xuân Vui cho biết thị trường Ả-rập Xê-út đang rất cần thợ hàn Việt Nam có tay nghề cao. Cụ thể, hiện nay phía bạn đang cần khoảng 500 thợ hàn Tig, Mig 3G; Theo dự báo trong năm 2009, nước này cần tuyển hàng ngàn thợ hàn Việt Nam.

Không chỉ Airseco, công ty CP Cơ khí và XKLĐ Thừa Thiên - Huế chi nhánh tại Hà Nội (ENLEXCO-HANOI) cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo nghề và giáo dục định hướng. Ông Dương Đình Thiết, Phó TGĐ công ty kiêm GĐ Chi nhánh Cty tại Hà Nội thừa nhận: "Tuyển lao động có nghề luôn là bài toán khó giải đối với các DN XKLĐ. Và trong bối cảnh hiện nay, dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu hướng tất yếu để XKLĐ bền vững".

Không tin tưởng ở các trường dạy nghề

Vì sao các DN lại phải lo việc đào tạo nghề cho lao động? Thực tế, các DN đã từng tuyển lao động từ các trường cao đẳng nghề, hay các Trung tâm dạy nghề, nhưng phần lớn chất lượng đào tạo không đạt được như ý muốn của chủ sử dụng nước ngoài. Lý do bởi thời gian học thực hành ít quá, máy móc lạc hậu, số lượng cũng rất hạn chế, lại phải học quá nhiều những môn phụ. Do vậy, mặc dù thời gian đào tạo kéo dài hàng năm nhưng chất lượng học viên đầu ra lại không cao. Nên không còn cách nào khác, các DN phải tìm cách đào tạo cho người lao động nếu muốn đi làm việc ở nước ngoài.

Thông tin từ Airseco cho thấy, sau những khoá đào tạo đầu tiên, 97% học viên đã được đưa đi làm việc tại Ả-rập Xê-út với mức lương 7,5 - 9 triệu đồng/tháng, hoặc làm việc tại các xưởng may công nghiệp của Châu Âu với thu nhập 11,5 - 19,5 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, sau khi làm việc tại Ả-rập Xê-út, lao động sẽ được sát hạch tay nghề một lần nữa và sẽ được cấp chứng chỉ của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ. Với chứng chỉ có giá trị toàn cầu này, thợ hàn Việt Nam có cơ hội làm việc ở các nước công nghệ cao cũng như trở về Việt Nam làm việc trong các liên doanh nổi tiếng thu nhập không hề thua kém ở nước ngoài.

Bài toán không đơn giản

Thực tế là, người lao động khi có nghề sẽ thêm nhiều cơ hội để làm việc tại những môi trường tốt, thậm chí được tiếp tục nâng cao tay nghề. Song một trong những yếu tố quan trọng để giúp người lao động có nghề là bản thân họ cần thay đổi nhận thức. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, người lao động cần phải coi học nghề là nhu cầu tự thân, không nên cứ ỷ lại Cty XKLĐ, ép buộc thì mới học và học miễn cưỡng qua loa.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác dạy nghề: vừa tuyên truyền khuyến khích, vừa hỗ trợ con em địa phương học nghề, lập nghiệp. Việc hạn chế đưa lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc trong thời gian tới cũng là chủ trương của Bộ LĐTB-XH.

Nhưng để giải quyết bài toán này là không hề đơn giản. Theo bà Hoàng Kim Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết dù đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ người có nghề mới chỉ đạt khoảng 30%. Trong đó có nguyên nhân do nhiều DN XKLĐ còn bị động trước những đơn hàng vì nguồn tuyển không đáp ứng được yêu cầu của phía tiếp nhận. Một vấn đề nữa là việc gắn kết giữa đào tạo nghề với XKLĐ thời gian qua còn nhiều bất cập. Cơ sở dạy nghề không nắm được nhu cầu để đào tạo, còn DN XKLĐ không tìm được lao động đạt trình độ tay nghề theo yêu cầu của nhà tuyển dụng...

Trước tình hình đó, Cục cũng đã xây dựng đề án thí điểm đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu giai đoạn 2008-2010 nhằm gắn kết giữa dạy nghề với XKLĐ. Điều đáng nói là không phải chờ đến khi Cục xây dựng đề án này, đã có không ít DN đầu tư mạnh vào đào tạo nghề bởi họ biết rằng đây là cách duy nhất để có thể giảm thiểu rủi ro khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Lan Hương