1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Thị trường lao động sẽ ra sao nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Dự kiến, quý I/2022, TPHCM sẽ cần khoảng 75.000 lao động nếu dịch được kiểm soát và khoảng 60.000 lao động nếu dịch chuyển biến theo hướng tiêu cực.

Thị trường lao động sẽ ra sao nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp? - 1

TPHCM vẫn cần khoảng 60.000 lao động trong quý I/2022 nếu dịch diễn biến tiêu cực.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có dự báo về tình hình lao động quý I/2022 theo 2 hướng tích cực và tiêu cực của dịch Covid-19. Cụ thể, nếu dịch diễn biến tích cực, dự kiến các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khoảng 60.000 lao động trước và sau thời điểm tết Nguyên Đán.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, dự kiến các doanh nghiệp sẽ cần 75.000 lao động để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế - dịch vụ chiếm 56% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, từ ngày 1/10, TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã và đang hồi phục sản xuất. Tuy vậy, các doanh nghiệp có quy mô lao động đông vẫn chưa hoạt động hết công suất, chỉ khoảng 50 - 80% để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Thị trường lao động sẽ ra sao nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp? - 2

Sau khi TP nới lỏng giãn cách, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng vẫn chưa đạt công suất tối đa.

Tình hình lưu thông giữa TPHCM và các tỉnh đã được nới lỏng, thuận tiện cho các doanh nghiệp đưa, đón lao động quay trở lại làm việc. Nhờ vậy, vấn đề thiếu hụt lao động có xảy ra nhưng không trầm trọng dẫn đến đứt gãy nguồn lao động.

Những tháng cuối năm, TPHCM vẫn cần khoảng 56.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực: Kinh doanh - thương mại (chiếm 23,01%); Dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (chiếm 11,53%); Công nghệ thông tin (chiếm 7,52%).

Ngoài nhu cầu tuyển dụng toàn thời gian, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian, lao động thời vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết cũng có xu hướng tăng. Mặt khác, các hoạt động dịch vụ ăn uống được mở cửa phục vụ nhu cầu tại chỗ, góp phần gia tăng nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông, lao động bán thời gian.

Dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 15.000 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ phục vụ cá nhân và bảo vệ; chế biến thực phẩm; dệt may - giày da; vận tải - kho bãi; kinh doanh - thương mại; kinh doanh bất động sản;...

Thị trường lao động sẽ ra sao nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp? - 3

TPHCM đã phối hợp với Bình Dương, Đồng Nai triển khai kết nối tuyển dụng trực tuyến với lao động ở các tỉnh miền Tây.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện kết nối với Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao để nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp và tuyển dụng đúng thời điểm.

Sở cũng đã chỉ đạo TT Dịch vụ Việc làm thành phố và Thành Đoàn phối hợp với các tỉnh miền Tây tuyển dụng trực tuyến, phỏng vấn trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động. Tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm. Đồng thời, lên phương án đưa đón lao động trở lại thành phố an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch.