Thị trường lao động hứa hẹn nhiều điểm sáng
(Dân trí) - Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu tích cực. Chất lượng việc làm, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Đó là bức tranh thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch được Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình nêu lên tại Hội nghị quan chức cao cấp về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực sáng 28/11.
Khái quát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đại dịch bùng phát từ 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Phục hồi nhanh cả về lực lượng lao động, việc làm
Bước sang năm 2022, trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021, bức tranh về thị trường lao động quý III năm 2022 đã có rất nhiều điểm sáng. Lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định
"Những biện pháp, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 của Chính phủ đã góp phần đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả về lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện", ông Bình cho biết.
Theo thống kê của Cục Việc làm, riêng trong Quý III/2021 có 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực, trong đó 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu bị giảm thu nhập.
Đánh giá quá trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch, Cục trưởng Cục Việc làm khái quát, khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Các chỉ tiêu thị trường lao động tiếp tục được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Bên cạnh những điểm sáng của bức tranh về thị trường lao động, Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, sau đại dịch, trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
"Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng", ông Bình nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp, sự phát triển không đồng đều.
Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương việc phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững
Đưa ra giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động và kế hoạch cho tương lai, lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng, để phục vụ cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.
Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gẫy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Về giải pháp lâu dài, ông Bình cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù (thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ...).
Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước - trong - sau quá trình tham gia thị trường lao động. Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.