1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thị trường lao động ảo

Số lao động được giải quyết việc làm tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn là nghịch lý của thị trường lao động.

Tại hội thảo thực hiện chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững Việt Nam - ILO giai đoạn 2012-2016 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết sau hơn 1 năm thực hiện chương trình việc làm bền vững (giai đoạn 2012-2016), công tác quản lý, thông tin về lao động việc làm vẫn còn nhiều thiếu sót. “Các báo cáo về tình hình lao động việc làm chưa phản ánh toàn diện bức tranh của thị trường lao động gắn với “sức nóng” của nền kinh tế” - ông lo ngại.

 

Số liệu không xác thực

 

Ông Ngọc cho biết cơ quan quản lý vẫn chưa nắm rõ sự chuyển dịch lao động trong viễn cảnh “doanh nghiệp (DN) chết hàng loạt” như hiện nay. Thậm chí, vấn đề tiền lương cũng chưa được phân tích cặn kẽ.

 

Theo thống kê năm 2012, TP HCM có 21.750 DN làm thủ tục dừng kinh doanh (chưa bao gồm các DN tạm “đóng băng”). Dù vậy, số lượt lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn TP lại giảm không nhiều (289.400 so với 292.000 lượt người năm 2011). Riêng 9 tháng đầu năm 2013, TP đã giải quyết việc làm cho 216.183 lượt lao động, tăng 6.681 lượt so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, hằng năm, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế, nhiệm vụ giải quyết việc làm ở TP HCM thường đạt chỉ tiêu hoặc ít dao động với những con số quen thuộc.

 

Người lao động được hỗ trợ việc làm tại sàn giao dịch việc làm
Người lao động được hỗ trợ việc làm tại sàn giao dịch việc làm

 

Các báo cáo cũng chỉ rõ tỉ lệ thất nghiệp giảm dần qua các năm: Từ 5,1% năm 2010 xuống còn 5% năm 2011 và 4,9% năm 2012. Chín tháng đầu năm 2013, số người đăng ký thất nghiệp lại tiếp tục giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho hay hằng năm, TP tiếp nhận khoảng 40.000 lao động nhập cư, chỉ một phần trong số này làm việc tại khu vực việc làm chính thức. Thực tế, số lao động thất nghiệp còn cao hơn nhiều so với thống kê nếu tính cả lao động phi chính thức.

 

Chỉ “thiếu ổn định” chứ không thất nghiệp

 

Kinh tế khó khăn, người lao động chật vật với việc làm thì tỉ lệ thất nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH trình Quốc hội tại kỳ họp gần đây là 2%. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lo ngại: “Không có số liệu đúng và đủ thì không thể đưa ra đánh giá xác thực nhất. Do vậy, các quyết sách, chủ trương, giải pháp được đưa ra sẽ gặp nhiều rủi ro. Con số trên là “khó tưởng” trong điều kiện kinh tế hiện nay”.

 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng các số liệu về tiền lương, tạo việc làm mới, thất nghiệp đều có vấn đề. “Số lượng việc làm mới tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm là điều không thể hiểu nổi trước tình hình GDP giảm, số DN phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động liên tục tăng” - ông lo lắng.

 

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định thị trường lao động đang dần khởi sắc do nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Lao động phi chính thức, các làng nghề, dịch vụ… hầu như không bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế. Lực lượng lao động này có thể tự vận động để tìm việc làm.

 

Ông Hòa giải thích: “Chỉ những người được ký hợp đồng lao động khi bị mất việc mới được coi là thất nghiệp, những trường hợp còn lại chỉ là thiếu việc làm”.

 

 Theo Bộ LĐ-TB-XH, Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa từ tháng 9/2012. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương vẫn chưa có bất kỳ đánh giá nào về việc cải thiện môi trường kinh doanh cho loại hình DN này, đặc biệt là vấn đề cải thiện môi trường, điều kiện làm việc.

 

Theo Hồng Nhung

NLĐ