Thi tiếng Hàn 2017: Chấp nhận lao động hồi hương từ đợt ân hạn năm 2016
(Dân trí) - “Những lao động thuộc diện hết hạn hợp đồng nhưng ở lại Hàn Quốc, nếu về nước trong thời gian từ 1/4/2016-21/12/2016 đều được tham gia dự Kỳ thi tiếng Hàn tới đây. Ngoài ra, những trường hợp vi phạm, gian đối khi dự thi sẽ bị cấm tham gia trong 3 năm tiếp sau”.
Sáng 3/4, tại Hà Nội, ông Đặng Sĩ Dũng, Cục Phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới về Kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS sẽ diễn ra từ tháng 6-9/2017.
Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức. Hai đơn vị đại diện trực tiếp đứng ra thực hiện là Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam) và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc triển khai.
Năm 2017, số lượng được phía Hàn Quốc dự kiến tuyển là 3.600 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo tuyển 1.500 người, ngành xây dựng: 500 người, ngành nông nghiệp: 800 và ngư nghiệp: 800 người.
Theo Cục quản lý lao động, phía Hàn Quốc sẽ lựa chọn ứng viên trong ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp theo nguyên tắc lấy từ người có điểm cao nhất xuống thấp trong số những người đạt từ 80 điểm trở lên (số điểm tối đa: 200 điểm).
Với ngành ngư nghiệp: Số người đạt yêu cầu thi tiếng Hàn sẽ gấp 2 lần số chỉ tiêu tuyển chọn được phân bổ (1.600 người) để tham dự kỳ thi tay nghề; lựa chọn theo nguyên tắc lấy từ người có điểm cao nhất trở xuống trong số những người đạt từ 60 điểm trở lên.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Hàn Quốc đang tiếp nhận khoảng 107.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc, trong đó có hơn 40.000 lao động theo Chương trình EPS. Hết năm 2016, số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.100 người, chiếm 39% của lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Số lượng người đạt yêu cầu có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế như: chỉ tiêu cho từng ngành và nhu cầu nhân lực của phía Hàn Quốc...
Trước thông tin về việc có nhiều đơn vị tự nhận đứng ra tổ chức đào tạo và hỗ trợ ứng viên dự thi tiếng Hàn, ông Đặng Sĩ Dũng cho biết: Về phía Việt Nam, Trung tâm lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất tổ chức việc thi tuyển. Đề thị, việc chấm thi đều do phía Hàn Quốc quyết định. Do đó, sẽ không có bất cứ sự can thiệp từ bên ngoài để có thể thay đổi kết quả thi.
“Người lao động không nên tin vào những lời rêu rao hứa hẹn bằng cách này hay cách khác để có thể được trúng tuyển và đi làm việc ở Hàn Quốc nhanh hơn. Ngoài ra, những trường hợp có hành vi gian dối trong kỳ thi như mang tài liệu, tai nghe, điện thoại, đồng hồ chụp ảnh gửi bài, thi hộ…khi bị phát hiện sẽ bị cấm tham gia kỳ thi trong 3 năm liên tiếp” - ông Đặng Sĩ Dũng nói.
Được biết, Kỳ thi tương tự như trên trong năm 2016, Ban tổ chức đã phát hiện hơn 30 trường hợp vi phạm.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2017 tại 58 quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Đây là quyết định sau khi thống nhất ý kiến và theo đề nghị của phía Hàn Quốc.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa vào danh sách xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017 số lượng 109 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc.
Hoàng Mạnh