Theo chân ngư phủ săn “thủy quái” sông Đà

Với trọng lượng có khi lên đến cả 70 - 80kg, hình thù kỳ dị, loài cá ấy được người dân sinh sống trên lòng hồ gọi là "thủy quái".

Săn cá măng "khủng"

Trước khi ngăn nước làm thủy điện, dòng sông Đà được ví như con ngựa bất kham, nước quanh năm chảy cuồn cuộn và nhiều thác ghềnh dữ dội. Việc vượt được sông không phải là điều dễ dàng, chỉ cần sơ sảy là có thể bỏ mạng.

Việc đánh bắt cá, đặc biệt là cá lớn như cá quất, lăng, chiên, măng ở đây lại càng khó khăn gấp bội lần.

Theo chân ngư phủ săn “thủy quái” sông Đà - 1

Để bắt được con cá măng to, anh Mùi Văn Hoạn phải mất rất nhiều thời gian "bày binh bố trận" trên sông nước. Ảnh: P.V

Theo chân ngư phủ săn “thủy quái” sông Đà - 2

 
Trước kia chưa đắp đập thủy điện săn được cá to là chuyện bình thường, nhưng hiện nay là hoàn toàn khác. Khi săn được cá măng hoặc các loại cá có trọng lượng lên vài chục kg là chuyện rất hiếm.

Vào những ngày hè tháng 5, trong chuyến đi ngược dòng về phía thượng nguồn con sông Đà hùng vĩ, chúng tôi đã được nghe ngư dân kể rất nhiều câu chuyện thú vị. Đặc biệt là câu chuyện về loài cá măng có thân hình to lớn trên dòng sông nước này.

Người ta vẫn gọi nghề đánh cá trên sông Đà là "nghề săn thủy quái", những câu chuyện về loài cá lớn nơi đây khiến chúng tôi không khỏi lạnh người.

Để tìm hiểu về thực hư câu chuyện, chúng tôi đã theo chân ngư phủ Mùi Văn Hoạn - 1 tay săn bắt cá cừ khôi ở bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).

Để chuẩn bị cho chuyến săn cá khủng lòng hồ sông Đà, anh Hoạn chuẩn bị đồ cần thiết rồi lên thuyền rẽ nước đến gần cảng Tà Hộc. Cơn gió ràn rạt bất chợt thổi mạnh làm quá trình di chuyển của thuyền như chậm lại, anh Hoạn bảo: "Hôm nay, trời nổi gió mạnh quá, nếu không chắc tay giăng lưới sẽ gặp khó khăn lắm đấy".

Trong lúc buông lưới dù xuống sông Đà, chợt đằng xa xa có tiếng máy nổ vang ầm ĩ, anh Hoạn ngoảnh lại dùng tay và hô hoán lia lịa như báo hiệu mình đang thả lưới để người ta tránh.

Theo chân ngư phủ săn “thủy quái” sông Đà - 3
Theo chân ngư phủ săn “thủy quái” sông Đà - 4

Anh Hoạn đang thả lưới giữa dòng sông Đà khởi đầu cho quá trình đánh bắt loài cá măng nổi tiếng. Ảnh: P.V

Anh Hoạn giải thích: Khi giăng lưới phải cẩn thận, không được lơ là khi có thuyền lớn chạy ngang. Nếu không báo tín hiệu thì những chiếc máy công suất lớn chạy chém đứt tan tành cả lưới, coi như mất bộ lưới dù 3 triệu đồng và phí công sức bỏ ra.

"Thực ra, tôi cũng chỉ là những người dân bình thường, mưu sinh trên dòng sông Đà thôi. Hằng ngày đánh bắt cá để nuôi gia đình, còn việc đi săn bắt cá như một thú vui, niềm đam mê. Đôi khi vì đam mê quá mà tôi phải bỏ bê công việc nương rẫy"- anh Hoạn chia sẻ.

"Ngắm nước, nhìn trời" tìm cá

Quanh năm lấy thuyền làm nhà, trăng sao làm bầu bạn, cuộc đời mưu

sinh của ngư phủ lênh đênh theo sóng nước rì rào. Dưới khoảng trời mùa hè, khi mặt trời vén màn mây, rạng đông hừng sáng cũng là lúc thuyền đánh cá của anh Hoạn làm việc hết công suất.

Bởi thời điểm buổi sáng sớm vét lưới xuôi dòng sông Đà mới mang lại nhiều cá và có cơ hội bắt được cá to hơn, còn vét lưới vào buổi chiều thì trời nóng, cá hầu như lặn xuống đáy sông nên rất khó bắt.

"Tôi hành nghề đánh cá trên sông Đà cũng được gần 35 năm rồi, thông thường các thuyền ngư dân chúng tôi săn bắt cá khủng trên lòng hồ là từ tháng 2 - 8 dương lịch hàng năm. Hiện trên khúc sông thuộc xã Tà Hộc có khoảng 15 thuyền chuyên làm nghề chài lưới, thu nhập của ngư dân chúng tôi từ đánh cá tuy không giàu, nhưng cũng đủ tiền trang trải cuộc sống".

Ông Mùi Văn Phính (bản Mường, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

Chia sẻ về kinh nghiệm săn bắt cá với chúng tôi, anh Hoạn nói: "Nghề săn cá sông Đà không phải như bắt cá trong ao, trong hồ, quăng lưới ghìm chì thông thạo một chút là kéo lên cả mẻ.

Cá ở sông dù không mênh mông như biển khơi nhưng cũng không có giới hạn nào nhất định, nước sông lại thay đổi dòng chảy liên tục và phải nắm bắt được khoảng thời gian nào bắt đầu, ở đâu mới có cá nên cần phải có sự kiên trì và chịu khó.

Khi thấy nước trên sông chuyển sang màu đục ngầu, dòng chảy xiết mạnh dần, đây chính là thời cơ chín muồi để vét lưới bắt cả khủng.

Nói thế không phải lúc nào cũng có thể bắt được cá to, nó còn phụ thuộc vào may mắn của mỗi người. Nhưng đôi với cá nhân tôi lại có cái may mắn đó, hầu như năm nào tôi cũng bắt được vài con cá nặng từ 10 - 20kg".

"Trước kia chưa đắp đập thủy điện săn được cá to là chuyện bình thường, nhưng  hiện nay là hoàn toàn khác. Khi săn được cá măng hoặc các loại cá có trọng lượng lên vài chục kg là chuyện rất hiếm, có người thậm chí rong ruổi hàng tháng trời trên sông mà vẫn không bắt được con cá to nào. Nếu săn được con cá lớn anh em đi làm nghề chài lưới trọng vọng lắm, thi thoảng cứ có anh em nào bắt được cá nặng từ 10kg trở lên là chúng tôi hay nói trêu đùa đúng là "anh hùng hảo hán lương sơn bạc". Vì cá to không phải ai cũng có kinh nghiệm bắt và cái duyên gặp. Câu được cá to lại còn bán nhiều tiền, không phải lo toan về mắm muối trang trải cuộc sống" - anh Mùi Văn Hoạn cười nói.

Không giống như những người dân vạn chài đi quanh năm suốt tháng và đi lên các tỉnh xa săn bắt cá, anh Hoạn chỉ đi đánh cá vào những ngày nông nhàn công việc nương rẫy đã xong xuôi, anh đi xa nhất là khoảng 15km rồi về. Săn cá nhiều khi còn phụ thuộc vào cái duyên, mùa nào nước đấy từ tháng 1 đến tháng 12 dương lịch ở từng khúc sông Đà, có những nơi xuất hiện bãi bồi, luồng lạch nông sâu khác nhau. Vì vậy, cách săn bắt cá của những ngư dân trên sông nước cũng có nhiều phương thức "bày binh bố trận" khác nhau.

Trò chuyện với chúng tôi trong quá trình vét lưới trên sông, anh Hoạn nở nụ cười tủm tỉm trên gương mặt đen sạm vì dám nắng đúng với một người nông dân chất phác.

Anh Hoạn kể: "Năm học lớp 1 tôi đã biết bơi, bất kể thời điểm nào bố mẹ tôi đi đánh lưới tôi cũng xin đi cùng cho bằng được. Được đi nhiều nên tôi cũng ham lắm, đến khi trưởng thành và lập gia đình tôi càng đi đánh cá nhiều hơn, hình như đó là niềm đam mê thì phải. Cứ ngày nào mà không được đi thả lưới, vét lưới thì tôi cảm thấy trong người khó chịu và nhớ sông nước da diết, có lẽ vì có duyên với sông nước mà năm nào tôi cũng được hà bá ban tặng cho những con cá to".

Đối với những người săn cá trên sông Đà, họ chỉ cần thấy bầu trời thay đổi chuyển sang đen tối, xám xịt là họ biết mình phải làm gì, có thể quay về hay buộc phải đi tiếp. 

Anh Hoạn cho biết: "Nếu như gặp bão thì bắt buộc phải đi theo chiều gió, không được đi ngược lại nếu không sẽ bị lật thuyền, thấy bão là tôi táp vào bờ, rồi tìm chỗ trú ngay. Con sông Đà lúc dịu êm, khi lại dữ dội nên cũng nên đánh bắt cá cần có nhiều kinh nghiệm. Nhưng cũng chính con sông này như lòng mẹ bao đời thủy chung, thêm mỡ màu lên những lớp phù sa và cá tôm nặng đầy cho cuộc sống của chúng tôi ngày càng no ấm".

Anh Hoạn tâm sự, có những ngày bắt được cá to thì thu nhập được 4 - 5 triệu, có lúc đánh bắt được hàng tạ với đầy đủ các loại cá: Quất, măng, chày, ngạnh, chép... Như vào mạch chuyện nên anh Hoạn cứ hồ hởi kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện của những người làm nghề đánh cá trên sông, những lần trực chiến có lần con cá to cỡ hơn 30kg quẫy lên mặt nước như muốn lật thuyền.

Theo Hà Hoàng/DanViet.vn