1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thế giới “sốt” tiền thưởng cuối năm

Tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới như London, New York... vào những ngày cuối năm 2005 đâu cũng thấy nhân viên bàn chuyện tiền thưởng.

Châu Á, Mỹ La tinh: Thưởng đại trà

Theo khảo sát của cơ quan Giải pháp Kinh doanh HR tại 597 Cty, tiền thưởng cuối năm cho người lao động (NLĐ) ở hầu hết các nước châu Á - Thái Bình Dương đều cao hơn năm trước.

Điều này cho thấy, kinh tế khu vực tăng trưởng cao, môi trường kinh tế được cải thiện và ngày càng có nhiều Cty quan tâm hơn đến NLĐ.

HR cho biết, NLĐ ở Indonesia được nhận mức thưởng trung bình 1,6 tháng lương. Tại Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, NLĐ được thưởng trung bình 1,5 tháng lương.

Mức thưởng 1,4 tháng lương phổ biến ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan...cũng phản ánh những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế.

Tại Singapore, NLĐ, trong đó có cả công chức nhà nước được nhận tiền thưởng trung bình cuối năm 2005 là 1,75 tháng lương, mức cao nhất khu vực. Tuy nhiên, khoản tiền thưởng này lại thấp hơn so với 2,25 tháng lương năm 2004.

Liên đoàn Lao động Singapore cho biết, tiền thưởng cuối năm bị hạ thấp do tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 5,1% năm 2005.

Theo tờ Business Times, nhiều Cty lớn đã tăng lương ở mức cao trong năm 2005 để giữ chân NLĐ nên khoản thưởng cuối năm không lớn. Những nền kinh tế tăng trưởng chậm, tiền thưởng cuối năm chỉ ở mức 1,2 tháng lương như Australia hoặc chỉ 1 tháng lương như ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tại các nước Mỹ La tinh như Mexico, Brazil, Argentina...tiền thưởng cuối năm của NLĐ luôn được nhà nước quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên mức thưởng trung bình cũng chỉ là 1 tháng lương.

Mỹ - châu Âu: Khuyến khích cá nhân

Theo Cơ quan Quản lý nguồn nhân lực Mỹ, mức thưởng cuối năm của các Cty tăng trung bình 3,7% so với năm 2004 do năm nay kinh tế Mỹ hồi phục.

Để khuyến khích tinh thần làm việc cho năm tới, các Cty đều trích một khoản tiền lớn thưởng cho NLĐ. Tuy nhiên, các giám đốc ở Mỹ cho rằng tiền thưởng cuối năm dù lớn, nhưng dễ bị “hòa tan” nên thường có những khoản đặc biệt dành cho những nhân viên chăm chỉ làm việc hoặc có cống hiến cho Cty.

Hãng nội thất Marvin được biết đến nhiều với khoản tiền thưởng hơn 50 triệu USD dịp cuối năm. Tuy nhiên, khi chia đều số tiền này, mỗi nhân viên chỉ được thưởng trung bình trên 1.400 USD.

Trong khi đó, hãng năng lượng TVA cũng chi số tiền thưởng tương tự, nhưng dành 12,9 triệu USD thưởng cho 146 giám đốc. Ba giám đốc giỏi nhất của TVA đều được thưởng trên 1 triệu USD/người. 

London (Anh) được xem như trung tâm tài chính của châu Âu đang sục sôi bởi chuyện tiền thưởng. Tại quán rượu, nhà hàng, ngân hàng, trung tâm tài chính... đều nói đến chuyện tiền thưởng cuối năm 2005 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Theo báo chí, khoảng 60% NLĐ ở London được nhận tiền thưởng cao hơn năm trước và 1/5 được nhận gấp đôi, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tờ The Evening Standard từng tuyên bố, London có 3.000 triệu phú mới vào dịp cuối năm. Có những cá nhân được thưởng rất cao như Giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs được đồn đại nhận mức thưởng gần 9 triệu USD. 

 Theo Trí Đường
Tiền Phong