Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Là giáo viên sinh học, ông Bình (ở Bến Tre) tận dụng thời gian sau giờ dạy để chăm sóc trang trại lươn giống. Dù là công việc làm thêm nhưng ao lươn đã giúp ông Bình kiếm tiền tỷ mỗi năm.

Ông Huỳnh Văn Bình (48 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đang là giáo viên môn Sinh học của một trường cấp 2 trong huyện. Ông Bình đồng thời cũng là chủ của trang trại lươn giống lớn và có tiếng bậc nhất ở địa phương.

Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng.

Ông Bình kể, hơn 10 năm trước, trong một dịp sang Vĩnh Long chơi, ông thấy mô hình nuôi lươn thịt mang lại hiệu quả lớn. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy công việc này phù hợp với điều kiện và chuyên môn của mình, ông Bình quyết định mở trang trại nuôi lươn.

"Tôi nhận thấy công việc này tận dụng được kiến thức sinh học của mình. Hơn nữa việc nuôi lươn mỗi ngày chỉ cần 2 giờ để chăm sóc, lại linh hoạt thời gian, rất phù hợp để giáo viên như tôi làm thêm sau giờ dạy", ông Bình chia sẻ.

Nghĩ là làm, ban đầu ông Bình chi 30 triệu đồng mua 10.000 con lươn giống về nuôi. Vì nuôi lươn theo mô hình thâm canh không bùn, mật độ cao nên chi phí làm bể bạt không đáng kể.

Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng - 1

Nhà ươm lươn giống của ông Bình được đầu tư đồng bộ, bố trí khoa học (Ảnh: Nguyễn Cường).

Sau 10 tháng nuôi, tốn thêm 70 triệu đồng tiền thức ăn, ông Bình thu về 2 tấn lươn thịt, bán với giá 200 triệu đồng/tấn. "Tính ra vụ lươn đầu tiên tôi chi 1 lãi 3", ông Bình nói.

Sau hiệu quả bước đầu, ông Bình mở rộng quy mô rồi liên tục thu lãi lớn trong năm tiếp theo.

Năm 2015, giá lươn giống tăng cao đến 5.000 đồng/con loại 2 tháng tuổi, ông Bình quyết định chuyển sang nuôi lươn sinh sản để bán giống. 7.000 con lươn bố mẹ với tổng trọng lượng khoảng 1,2 tấn đều được ông Bình tuyển từ lượng lươn thịt đã nuôi từ trước.

Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng - 2

Ông Bình có 50 bể bạt dưới tán dừa để nuôi lươn bố mẹ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trong vườn dừa của gia đình, ông Bình tạo 50 bể bạt diện tích khoảng 20m2 mỗi bể, lót bùn để nuôi lươn sinh sản. Ông cũng dựng nhà kín diện tích khoảng 100m2, trang bị máy ấp trứng lươn, hệ thống bồn nhựa và máy lọc nước, máy tạo oxi để ươm lươn giống.

"Với kiến thức sinh học, tôi biết lươn đẻ hiệu quả nhất khi trọng lượng trung bình khoảng 160-200gram/con. Tôi cũng tìm hiểu được về mật độ nuôi, chất lượng môi trường hồ nuôi, tình trạng sức khỏe của lươn, thức ăn và thuốc men phù hợp để đàn lươn đẻ tốt, sản phẩm lươn giống chất lượng cao", ông Bình chia sẻ.

Lươn là loài đẻ quanh năm, định kỳ 12 ngày ông Bình dỡ ổ vớt trứng một lần. Trứng ấp 3 ngày sẽ nở, nuôi khoảng 2-3 tháng sẽ xuất bán với giá 2.000-3.500 đồng/con.

Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng - 3

Trứng lươn trong quá trình ấp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Bình cho biết, khách mua lươn giống chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đến nay ông đã có lượng lớn khách quen, tiêu thụ ổn định. Khách thường đặt ông Bình đơn hàng 50.000-150.000 con lươn giống mỗi lần mua, tương đương mức giá trị hàng trăm triệu đồng.

"Bình quân mỗi năm tôi thu về 1,5-2 tỷ đồng tiền bán lươn giống. Chi phí đầu vào hầu như không đáng kể, lươn giống ăn rất ít, còn lươn bố mẹ chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng thức ăn mỗi tháng", ông Bình nói.

Dù công việc "làm thêm" mang lại thu nhập gấp cả chục lần lương đi dạy, tuy nhiên ông Bình khẳng định bản thân rất yêu và sẽ gắn bó với nghề giáo.

Trò chuyện với phóng viên, ông Bình không quên "khoe" loạt giấy khen giáo viên dạy giỏi cũng như giấy khen cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi mà ông nhận được trong 10 năm qua.

Thầy giáo chi 30 triệu đồng mở trang trại nuôi lươn, mỗi năm lãi 2 tỷ đồng - 4

Lươn giống chuẩn bị xuất bán (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Phạm Văn Mười, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, nhiều năm qua ông Bình là thành viên nổi bật của câu lạc bộ. Mô hình nuôi lươn của ông Bình đã được nhiều hộ dân trong tỉnh đến tìm hiểu, học hỏi và làm theo.

"Ông Bình rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình cho nông dân khác. Ông Bình cũng hỗ trợ vốn, con giống cho nhiều hộ dân khởi nghiệp nuôi lươn. Từ lợi nhuận thu được, ông Bình đã đóng góp tích cực vào công tác giúp đỡ người nghèo, học sinh khó khăn ở địa phương", ông Mười cho biết.