Thất nghiệp nửa vời, thu nhập chạm đáy, mẹ Việt có kế hoạch sống đáng nể
Tiền lương của tôi khi ấy chỉ đủ chi tiền ăn cho cả nhà trong 10 ngày. Với mức lương tượng trưng thê thảm ấy, tôi rơi vào cảm giác tuyệt vọng.
Tôi từng phải vượt qua cảm giác mặc cảm suốt nhiều năm khi gặp lại bạn bè vì tôi học hành không cao, thua kém bạn bè về bằng cấp, thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Loan - tác giả bài viết. |
Năm 2015, cơ quan tôi cổ phần hóa, tinh giảm biên chế. Tôi may mắn được giữ lại, các chị có thâm niên 25 năm công tác về hưu non, các em mới vào nghề 3-5 năm bị loại vì còn trẻ có cơ hội tìm việc bên ngoài.
Yên ổn làm việc được 1 năm thì cuối năm 2016, doanh thu của công ty sụt giảm, lương tôi vô cùng thấp, nói ra không ai tin. Tiền lương của tôi khi ấy chỉ đủ chi tiền ăn cho cả nhà trong 10 ngày.
Với mức lương tượng trưng thê thảm ấy, tôi rơi vào cảm giác tuyệt vọng. Tôi mất ăn mất ngủ vì lo lắng, căng thẳng, nghĩ đến đoạn đường khó khăn sau này, tôi phải làm gì để nuôi con ăn học?
Chị em cùng phòng tôi nháo nhào kiếm việc làm thêm: Bán hoa quả, bán mỹ phẩm online, làm hàng thủ công, làm thợ may - sửa chữa quần áo, bốc hàng kho bánh kẹo. Thu nhập tăng thêm dù vài trăm nghìn cũng là quý trong thời buổi khó khăn khủng hoảng này.
Tôi tự thấy mình vô dụng, sức khỏe kém, xe máy không biết đi, làm gì đây để không phí phạm thời gian, làm gì để có thêm chút tiền cho gia đình? Tôi quyết định sắp xếp lại cuộc sống, bắt tay vào làm việc, không ra tiền thì phải co kéo làm sao cho ổn như các cụ nói 'khéo ăn thì no, khéo co thì ấm'.
1. Tiết kiệm chi tiêu tối đa, làm bà nội trợ đích thực
Tôi căn ke đi chợ với mức tiền quy định, cố gắng không lãng phí thực phẩm từ những thứ nhỏ nhất như rau, gạo. Tiền điện, nước sạch, ga dao động từ 500-600 ngàn/tháng, tiền điện thoại của tôi dùng 100 ngàn/tháng. Tôi đặt ra mức chi tiêu cả tháng cho gia đình từ 6 -7 triệu. Dù thu nhập "chạm đáy", tôi xác định vẫn phải có khoản tiết kiệm chiếm 20% tổng thu nhập để đề phòng ốm đau, tích lũy cho con ăn học.
Tôi chịu khó nấu ăn sáng cho cả nhà, các con vẫn được đảm bảo chế độ dinh dưỡng bình thường, bố mẹ ăn đạm bạc hơn trước, có khi cơm hấp với muối vừng cũng xong bữa sáng.
Quần áo đồng phục, sách giáo khoa tôi tận dụng xin lại của mọi người trong xóm cho con dùng. Ngay cả quần áo, váy vóc của con gái tôi cũng được các chị trong xóm cho đủ loại theo mùa. Tất nhiên là tôi vẫn mua vài bộ quần áo mới cho các con ăn mặc tươm tất. Trang phục của tôi sẽ theo trường phái tối giản. Tôi chỉ cần vài chiếc váy, vài đôi giày dép, 1-2 thỏi son vì mỗi năm tôi đi họp lớp, cỗ bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hai đứa con đi học, tôi cho con về nhà ăn cơm trưa vì trường gần nhà, con đi bộ chừng 10 phút. Con trai lớn tự túc đi học, tôi chỉ đưa đón con gái lớp 1. Tuy mưa nắng vất vả một chút, tôi tiết kiệm được mỗi tháng hơn 1 triệu tiền ăn bán trú ở trường.
Hai con không đi học thêm, tôi dành thời gian công sức kèm cặp, dạy con học mỗi tối. Sức học của các con cải thiện rõ rệt.
2. Cố gắng tìm cách có thêm thu nhập
Tôi vốn có sở thích viết lách, trước đây tôi thỉnh thoảng có gửi bài đăng báo, 1 năm tôi chỉ viết khoảng 4-5 bài khi cảm xúc dâng trào và đủ tiền đặt một tờ báo mà tôi yêu thích. Lúc ấy tôi coi việc có bài đăng báo là niềm vui xa xỉ. Giờ viết báo để kiếm thêm thật sự quá khó!
Hàng ngày tôi dán mắt vào máy tính đọc báo mạng, tìm kiếm mục nào mình có thể cộng tác. Mới viết nên bài của tôi dài dòng, ý tưởng non nớt, thường thì 5 bài gửi đi may ra 1 bài được đăng.
Sau một thời gian chịu khó mày mò, viết liên tục nên bài của tôi có chiều sâu hơn, số lượng bài được đăng tăng lên. Nhuận bút khiêm tốn nhưng cái quan trọng nhất tôi có được là niềm vui và sự tự tin vào bản thân.
Thật vui là tôi không chỉ viết về mình mà còn viết về gia đình, bố mẹ, thầy cô, bạn bè với cả kho kí ức bộn bề. Số tiền nhuận bút này tôi chi dùng cho mua sắm và sở thích cá nhân.
3. Trân trọng quỹ thời gian mình có
Tôi cũng dành thời gian cho việc chăm chút mảnh vườn trước nhà. |
Thời gian quý như vàng bạc, điều này là chân lý. Tôi đã vượt qua buồn chán và khủng hoảng khi công việc sa sút bằng cách sử dụng thời gian hợp lý.
Tôi dành thời gian đọc sách báo, tìm hiểu về tâm lý trẻ con để nuôi dạy các con khoa học hơn, bớt đi áp lực, căng thẳng và kỳ vọng. Tôi chăm chút mảnh vườn trước nhà, đi bộ thể dục mỗi ngày, viết nhật ký ghi lại những khoảnh khắc vui nhộn, những câu nói hay bất thình lình của các con, buổi tối đọc truyện trường kỳ cho con nghe.
Tôi cũng có thời gian cùng con đi khai giảng, đến lớp con bày biện Trung thu, dự tổng kết cuối năm, dạy con làm việc nhà. Dịp sinh nhật các con, sinh nhật bố mẹ, tôi tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, chủ yếu nấu nướng tại nhà.
Tôi rủ lũ trẻ đi chơi trên cánh đồng làng, đây là hình thức khám phá dã ngoại hữu ích không tốn kém. Thỉnh thoảng tôi đưa con sang phố đi bộ Hồ Gươm, thăm Lăng Bác, viện bảo tàng, mùa hè đi biển Sầm Sơn. Những địa điểm thăm quan gần nhà, chi phí ít nhưng các con rất vui.
Hay mỗi khi về quê ngoại, tôi dẫn con gái đi trên cầu phao ngắm sông nước mênh mang, ngắm đầm sen, cây đa cổ thụ thật yên bình.
Tôi thường tận dụng thời gian đưa lũ trẻ đi chơi ở những địa điểm gần nhà, không tốn kém chi phí nhưng vẫn giúp các con có nhiều trải nghiệm thú vị. |
Tôi cũng đúc rút ra chân lý: Hãy đừng vì lý do nào mà bỏ bê bản thân. Tôi bắt đầu duy trì đam mê đọc sách, trồng cây và gặp gỡ bạn bè. Họp lớp đối với tôi là một ngày hội thực sự, tôi được gặp lại thầy cô, bạn bè, sống lại cảm xúc thanh xuân tươi đẹp.
Hiện tại công việc tôi làm chỉ tiến triển chút ít, tôi và đồng nghiệp vẫn phải nghỉ luân phiên. Bạn bè tôi nói rằng, chỉ số hạnh phúc của tôi quá cao khi chỉ một bông hoa nở, một trang sách hay cũng khiến tôi vui vẻ.
Tôi nghĩ đơn giản: Trong cuộc sống mỗi người đều phải đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách, suy nghĩ tích cực đủ khiến chúng ta từng bước đi qua sóng gió và mỉm cười!
Theo Nguyễn Thị Loan (Đông Anh - Hà Nội)/Vietnamnet.vn