Thanh tra toàn bộ hồ sơ người có công trong cả nước
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc đến hết năm 2020 phải tiến hành thanh tra toàn bộ số hồ sơ đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn tất việc thanh tra, rà soát các trường hợp đang được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, giải quyết sớm cho những đối tượng đã và đang được hưởng chế độ chính xác, công bằng, chặt chẽ.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Thái Bình như sau:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tri ân những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chính sách phải giải quyết đúng người, đúng chế độ, những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi nếu bị phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.
Qua thanh tra tại 9 địa phương, gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa và Bình Dương phát hiện 569 trường hợp hưởng sai chính sách phải đình chỉ chế độ. Kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 55,5 tỷ đồng và 1.176 trường hợp được Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học phải điều chỉnh mức trợ cấp.
Để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
- Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra chính sách người có công cả về số lượng và chất lượng; tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai sót, tiêu cực trong thực hiện chính sách đối với người có công.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc đến hết năm 2020 phải tiến hành thanh tra toàn bộ số hồ sơ đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học (Công văn số 4313/LĐTBXH-TTr ngày 15/10/2018 định hướng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác thanh tra năm 2018, 2019, 2020).
- Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
- Đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan quân đội, công an có biện pháp tích cực thu hồi số tiền hưởng sai quy định đối với các đối tượng qua công tác thanh tra, kiểm tra đã xác định sai phạm; chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ xác lập mới đề nghị hưởng chính sách do các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, xử lý kịp thời đối với hồ sơ sai phạm. Kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm bảo đảm công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
- Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện khám, điều trị và cấp bệnh án đúng quy định của Luật Khám chữa bệnh; chấm dứt tình trạng không nằm viện nhưng vẫn được cấp bệnh án “tràn lan” để lập hồ sơ; chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa thực hiện việc giám định khả năng lao động đối với người có công được giới thiệu giám định theo đúng quy định.
- Phối hợp với Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng, không để phát sinh "điểm nóng". Tập trung điều tra, xử lý hình sự một số vụ án trọng điểm, xác định đối tượng liên quan trong cơ quan Nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa.
- Đề cao sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, người dân và cơ quan báo chí, công khai minh bạch khi xét duyệt hồ sơ người có công.
Theo Chinhphu.vn