1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh niên dư cư tìm việc làm dễ thành nạn nhân buôn người

(Dân trí) - Nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người không ngăn cản được làn sóng di cư tìm việc của người Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam tới các nước xung quanh. Con số này mỗi năm khoảng từ 3 - 5 triệu người.

Báo cáo này được World Vision (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới) công bố nhân Ngày Di cư Quốc tế 18/12.

Năm 16 tuổi, Thanh - người dân tộc Thái sống tại một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái, quyết định rời làng đi tìm việc. Được một người đàn ông rủ đi làm trên thành phố Yên Bái, Thanh đồng ý không chút nghi ngờ. Em được hứa hẹn sẽ có một công việc tốt.

Đến thành phố, người đàn ông này không tìm việc cho Thanh như đã hứa mà đưa em sang tỉnh Lào Cai. Sau đó hắn mang cô gái trẻ vượt biên sang Trung Quốc, bán vào nhà chứa.  Sau khi biết mình bị bán, Thanh khóc lóc, van xin để không phải bán mình. Em nhận lại những trận đòn tới tấp và những lời chửi mắng thậm tệ. Không còn cách lựa chọn nào khác, Thanh đành phải tiếp khách.

Sau một tháng, một người tốt bụng đã giúp đưa Thanh ra khỏi nhà chứa. Em trở về Việt Nam. May mắn được về nhà, nhưng cuộc sống của Thanh rẽ sang một ngã khác: Sức khỏe và tinh thần em suy sụp, phải nằm viện điều trị nhiều ngày vì bệnh viêm phụ khoa và viêm thận.

(Ảnh có tính minh họa)

(Ảnh có tính minh họa)

Trên thực tế, trong suốt 15 năm qua, những câu truyện tương tự đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Thanh thiếu niên từ Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam vẫn tiếp tục rời quê hương đi tìm việc tại những nước láng giềng khá giả hơn. Khi tới nơi, công việc được hứa hẹn thường chẳng bao giờ thành hiện thực. Thay vì thế, các em bị ép làm những việc mình không muốn. Các công việc này thường đi kèm với điều kiện làm việc không tốt, bị bạo hành và bị bóc lột.

Cần phải thừa nhận một thực tế đáng buồn rằng thực trạng này vẫn đang tiếp diễn bất chấp hàng triệu USD đổ vào công tác phòng chống buôn người tại khu vực tiểu vùng sông Mê kông trong suốt một thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, mỗi năm có không dưới 70.000 người Việt rời quê hương đi tìm việc, và khoảng 400.000 lao động hiện đang có mặt tại 40 nước trên toàn thế giới.

Trong số 2.000 trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn được phỏng vấn tại Việt Nam, hơn 60% di cư tìm việc đã tìm được việc và gửi tiền về nhà. Theo báo cáo, những trẻ em di cư tìm việc nếu biết các hình thức bảo vệ bản thân sẽ có nhiều khả năng tìm được việc làm tốt và kiếm đủ tiền gửi về nhà. Các hình thức đó bao gồm mang theo giấy tờ cá nhân khi đi làm xa, không đưa giấy tờ gốc cho chủ, gửi một bản copy giấy tờ cho người thân ở nhà, thường xuyên liên lạc với gia đình, v.v…

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi khẳng định, với các bằng chứng từ thực tế, rằng công tác phòng chống mua bán người chỉ dựa trên nâng cao nhận thức là không đủ. Thanh thiếu niên sẽ tiếp tục di cư tìm việc. Đây là lúc các cơ quan liên quan cần chuyển trọng tâm sang làm thế nào để giúp các em di cư tìm việc an toàn” - ông John Whan Yoon, Quản lý Chương trình Chấm dứt Mua bán người khu vực Mê Kông (World Vision), cho biết.

World Vision đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên tại Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Myanmar hiểu và áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi các hình thức bóc lột và nguy cơ bị mua bán khi di cư tìm việc, thông qua sinh hoạt tại các Câu lạc bộ trẻ em.

Riêng tại Việt Nam, từ năm 2011, World Vision đã thành lập hàng loạt các “CLB Thanh thiếu niên di cư an toàn” tại Yên Bái, Quảng Trị và Quảng Nam. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, hàng trăm thanh thiếu niên từng đi làm ăn xa và phụ huynh được gặp gỡ trao đổi các kiến thức về về di cư tìm việc an toàn như: Cần tìm hiểu thông tin kỹ trước khi quyết định đi làm, cần mang theo giấy tờ tùy thân và không đưa cho chủ lao động giấy tờ gốc, thường xuyên liên lạc với người thân và bạn bè, địa chỉ và đường dây nóng các em có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

(Ảnh có tính minh họa)

“Riêng trong năm 2014, hơn 11.000 lượt trẻ em và người trưởng thành tại Việt Nam đã được tiếp cận với các thông tin về di cư an toàn thông qua các hoạt động của World Vision”, bà Vũ Thị Đủ, Quản lý Chương trình Chấm dứt Mua bán người của World Vision tại Việt Nam, cho biết.

Theo bà Vũ Thị Đủ, được trang bị các kiến thức để tự bảo vệ bản thân và được hướng dẫn cách thực hiện các hành vi này thật sự rất quan trọng đối với những người quyết định rời quê hương đi tìm việc ở nước ngoài. Đặc biệt khi Việt Nam hiện đã được coi như một trong những thị trường xuất khẩu lao động trên thế giới.

Ông Whan Yoon bày tỏ: "Chúng tôi không khuyến khích thanh thiếu niên di cư tìm việc, nhưng hướng tới trang bị cho các em các kỹ năng tự bảo vệ bản thân một cách hợp pháp trong trường hợp các em quyết định đi làm tại các nước khác”

Phạm Thanh