Bạc Liêu:
Thanh niên 8X “đời cuối” bỏ nghề điện lạnh về quê trồng rau sạch
(Dân trí) - “Trong cuộc sống, khó khăn trong công việc không làm ta thất bại, mà mặc cảm, tự ti mới chính là thất bại của bản thân”, anh Kiên bày tỏ thông điệp về cuộc sống.
Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bạc Liêu vừa được tổ chức, câu chuyện của anh Nguyễn Chí Kiên (SN 1989, ngụ xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã tạo sự quan tâm của nhiều người.
Là người khuyết tật nhưng anh luôn có ý chí nỗ lực vươn lên và thành công bước đầu với nghề trồng rau sạch.
Kiên cho biết, gia đình anh từ trước có nghề nông nghiệp nhưng khá bấp bênh. Do canh tác theo truyền thống, đơn lẻ nên khi làm ra nông sản được mùa thì mất giá. Năm nào được giá thì sâu bệnh tấn công làm thất mùa.
“Vì vậy, sau khi học xong phổ thông, mình nghĩ là phải đi học tiếp để sau này khi ra trường có nghề cho bản thân, nên đã đăng ký theo học trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu, ngành Điện lạnh”, Kiên chia sẻ.
Học xong Cao đẳng nghề, anh Kiên xin được việc làm ở TP Bạc Liêu. Tuy nhiên, làm được khoảng 2 năm, anh thấy bản thân mình lại không phù hợp với nghề sửa chữa điện lạnh.
"Mình thấy niềm đam mê trồng trọt chăn nuôi bỗng “nẩy nở”. Với lại chân bị khiếm khuyết khi đi sửa chữa đồ điện khó khăn bất tiện. Từ những điều này, mình quyết định trở về quê lập nghiệp”, anh Kiên nói.
Khi về quê, anh Kiên gặp người quen ở Chi hội nông dân nên đã cùng đi tham gia học tập kinh nghiệm nghề nông ở Sóc Trăng.
“Khi đi tham quan, mình thấy lợi ích rau sạch mang lại như bảo đảm sức khỏe người dùng, có thể làm cho nông sản rau ở địa phương nâng lên giá trị kinh tế, và tận dụng phế phẩm như rác thải ủ lại làm phân hữu cơ bón cho rau kết hợp bảo vệ môi trường”, anh Kiên cho biết lý do quyết định làm mô hình trồng rau sạch ở quê nhà.
Tuy nhiên, thời gian đầu mới làm thì anh Kiên cũng gặp không ít khó khăn thất bại do chưa có nhiều kinh nghiệm, thời tiết thất thường nên rau màu hay sâu bệnh, rồi chi phí đầu tư cao trong khi kinh phí còn hạn hẹp, giá bán nhiều cạnh tranh,…
Dù vậy, anh không nãn chí, vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình trồng rau màu sạch. Qua nhiều lần có được thêm kinh nghiệm, học hỏi vận dụng sáng tạo thêm, cùng với sự nỗ lực, ý chí vươn lên đã giúp anh Kiên bước đầu cũng đã thành công.
Tới tời điểm này, anh Kiên đã tham gia Tổ hợp tác rau hữu cơ ở địa phương. Ban đầu với 4 hộ, tới nay, Tổ đã có hơn 10 hộ, với nguồn cung khả quan do nhu cầu dùng rau sạch của người dân rất lớn.
Anh Kiên cho biết, mỗi tuần cung cấp xuống chợ huyện 2 lần, mỗi lần từ 50kg - 60kg. Ngoài ra, người dân lân cận có thể lại mua trực tiếp tại vườn.
“Do giá rau bán không được cao, nên mỗi tháng trừ đi chi phí thì mình cũng thu nhập được lợi nhuận chỉ từ 3 - 4 triệu đồng”, anh Kiên nói.
Nói về dự định tới, anh Kiên cho hay, thấy nhu cầu rau sạch lớn nên sẽ mời gọi thêm nhiều hộ cùng tham gia Tổ hợp tác.
Bên cạnh đó là mở rộng diện tích, mô hình tăng thêm sản lượng để có thể thành lập Hợp tác xã rau an toàn, đăng ký thương hiệu sản phẩm, từ đó sẽ hy vọng thu nhập tăng cao hơn.
Điều đáng trân trọng ở nam thanh niên này chính vị khuyết tật nhưng anh không bỏ cuộc trước những khó khăn trong cuộc sống.
Anh Kiên chia sẻ, cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả, nhưng đừng vì thấy vấp ngã trước mắt mà chùng bước, đừng vì khiếm khuyết mà tự ti, mặc cảm.
“Trong cuộc sống, thất bại trong công việc không làm ta thất bại, mà mặc cảm, tự ti mới chính là thất bại bản thân”, anh Kiên gửi thông điệp đến với những người có hoàn cảnh khuyết tật như mình.
Anh Nguyễn Chí Kiên là một trong những gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2020 được UBND tỉnh Bạc Liêu tuyên dương.
Ngoài ra, anh được chọn là một trong những đại biểu của tỉnh Bạc Liêu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sắp tới.