Người phụ nữ vươn lên thoát nghèo nhờ nghề đan lát lục bình

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Không chỉ giúp gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn, chị Lê Thị Điền (50 tuổi, trú tại Thủ Thừa, Long An) còn tạo công ăn việc làm cho hơn 30 chị em phụ nữ trong địa phương của mình.

Người phụ nữ vươn lên thoát nghèo nhờ nghề đan lát lục bình

Được người chị ruột đang sống ở Đồng Tháp gợi ý, năm 2017, chị Điền mạnh dạn đi vay 50 triệu từ ngân hàng chính sách của huyện Thủ Thừa để quyết vươn lên thoát nghèo. 

Cùng lúc đó, biết được 1 công ty sản xuất hàng mỹ nghệ ở Tiền Giang, chị Điền đã liên hệ học cách đan lát và bắt đầu nhận những đơn đặt hàng về nhà làm. 

Vì tiền vốn hiện tại là nhờ đi vay mới có nên chị Điền rất cẩn thận trong mọi quyết định của mình, luôn tìm cách làm sao cho hiệu quả nhất, có lợi nhiều nhất. 

Làng nghề lục bình.jpg

Nhờ lục bình, giúp gia đình chị Lê Thị Điền (huyện Thủ Thừa, Long An) thoát nghèo.

Thay vì lấy hết các vật liệu có sẵn của công ty đưa xuống, chị Điền chỉ lấy khung, còn lục bình thì chị tìm mua ở nơi khác có giá rẻ hơn.

Từ dạo đó, ngoài công việc đồng áng và việc nhà, những lúc rảnh rỗi chị Điền đan thêm những sản phẩm từ lục bình. Nhờ vậy mà gia đình chị có thêm một nguồn thu nhập ổn định. 

Lúc trước, gia đình chị Điền quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài ruộng lúa. Cả nhà làm lụng trên mảnh ruộng nhỏ mà vất vả và khó khăn lắm.

Sau hơn 3 năm theo nghề đan lát lục bình, căn nhà tôn nhỏ của chị Điền nay đã trở thành căn nhà tường khang trang, rộng rãi, cuộc sống của gia đình cũng trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.

Phát triển mô hình tổ hợp tác làm ăn

Nhận thấy được những lợi ích từ công việc này, chị Điền nhập thêm nhiều vật liệu và hướng dẫn cho các chị em phụ nữ khác tại địa phương thực hiện công việc này.

Làng nghề lục bình.jpg

Cở sở của chị Điền tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động.

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, 63 tuổi là một trong những người cùng làm với chị Điền lâu nhất. Sau 3 năm gắn bó với lục bình, cô đã đan nhiều mẫu mã và sản phẩm dù chỉ cần nhìn hình mẫu qua điện thoại.

Cô Điệp chia sẻ: “Lúc nào cô ngồi suốt để đan thì một tháng kiếm được khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. Còn lúc nào kẹt công việc quá thì kiếm được khoảng 1,5  triệu đồng. Mà được cái là vừa làm việc nhà vừa đan cái này cũng được, lúc nào rảnh là làm nên tiện lắm”.

Làng nghề lục bình.jpg

Mỗi lao động có thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng/tháng.

Giá mua lục bình ban đầu là 12.000 đồng/kg, chị Điền để lại cho mọi người đúng mức giá đó chứ không hề lấy lãi.

Có nhiều người kẹt con nhỏ hay lớn tuổi, khó khăn đi lại chị Điền còn chạy xe đạp đem vật liệu tới tận nhà trao tay. Khi nào những chị em đó làm xong thì chị lại đến tận nhà để lấy. 

Làng nghề lục bình.jpg

Những mẫu mã bắt mắt làm từ lục bình.

Khi được hỏi về lợi nhuận, chị Điền cười nói: “Đâu có ai làm không công đâu em, mỗi sản phẩm của chị em làm thì chị ăn được hoa hồng vài trăm đồng. Không có nhiều nhưng mà quan trọng là chị em có thêm thu nhập lúc thời gian rảnh".

Càng ngày càng có nhiều người tìm đến chị Điền để học cách đan lục bình và nhận vật liệu về nhà làm. Đến hiện tại, chị Điền đã tạo thêm việc làm được cho hơn 30 chị em phụ nữ địa phương. 

Làng nghề lục bình.jpg

Những chị em có con nhỏ, chị Điền khuyến khích mang hàng về làm tại nhà.

Người làm cùng chị Điền không chỉ là những phụ nữ có gia đình cần lo cho cuộc sống mà còn có cả học sinh làm thêm phụ giúp gia đình.

Em Lê Thị Duyên, 17 tuổi cũng đã tham gia vào “nhóm lục bình” của chị Điền được hơn 1 năm. Hiện tại Duyên chuẩn bị vào lớp 12 và làm công việc này để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ. 

Làng nghề lục bình.jpg

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, 63 tuổi là một trong những người cùng làm với chị Điền lâu nhất. 

Đối với Duyên, công việc này ban đầu cũng vất vả lắm, phải ngồi tỉ mẩn và mỏi tay, nhưng làm nhiều rồi thì cũng thấy quen. Hơn nữa, công việc này có thể giúp em kiếm ra tiền nên dần dần em cũng thấy thích nó.

Chị Mai Thị Hoa, Phó Chủ tịch hội Liên Hiệp Phụ Nữ huyện Thủ Thừa cho biết: “Mô hình chị Điền rất hiệu quả khi giải quyết cho hơn 30 lao động tại địa phương mà đa số là người lớn tuổi hoặc những chị em có con nhỏ, những người không có công ăn việc làm ổn định.”

Cũng theo chị Hoa, định hướng sắp tới của hội Phụ Nữ huyện Thủ Thừa là tiếp tục phát triển và nhân rộng hơn những mô hình tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả như cách của chị Điền để giải quyết tốt hơn vấn đề việc làm của địa phương.

Làng nghề lục bình.jpg

Sau 3 năm gắn bó với lục bình, đan nhiều mẫu mã và sản phẩm thì giờ chỉ cần nhìn hình mẫu qua điện thoại cô đã có thể đan được mà không cần hướng dẫn.

Làng nghề lục bình.jpg

Em Lê Thị Duyên, 17 tuổi cũng đã tham gia vào “nhóm lục bình” của chị Điền được hơn 1 năm. 

Làng nghề lục bình.jpg

Hiện tại Duyên chuẩn bị vào lớp 12 và làm công việc này để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ.