Thanh Hóa: Hơn 1.000 doanh nghiệp nợ đọng BHXH của người lao động

(Dân trí) - Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tình này có hơn 1.000 doanh nghiệp nợ đọng các loại bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 154,5 tỉ đồng.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.938 doanh nghiệp đang tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 168.432 người lao động. Số doanh nghiệp tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 46,9% số doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa và 70,32% số người lao động được tham gia.

Cũng theo Liên đoàn lao động Thanh Hóa, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.000 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 154,5 tỉ đồng, chiếm 25,83% số doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm.

Trong đó, khối doanh nghiệp FDI thực hiện các chế độ bảo hiểm và trích nộp kinh phí công đoàn nghiêm túc hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Khối doanh nghiệp FDI thực hiện các chế độ bảo hiểm và trích nộp kinh phí công đoàn nghiêm túc hơn các loại hình doanh nghiệp khác
Khối doanh nghiệp FDI thực hiện các chế độ bảo hiểm và trích nộp kinh phí công đoàn nghiêm túc hơn các loại hình doanh nghiệp khác

Trước thực trạng nêu trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, chuẩn bị khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chây ì trong việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động và kinh phí công đoàn.

Mặc dù, ngành Bảo hiểm xã hội đã nhắc nhở, nhưng các đơn vị này thường trì hoãn, khất lần khất lựa, thậm chí đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi người lao động đòi quyền lợi thì một số doanh nghiệp vội vàng nộp “tạm” một phần Bảo hiểm xã hội đang nợ đọng để ngành bảo hiểm làm thủ tục thanh toán, chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, sau đó, nhiều quyền lợi của người lao động lại bị các doanh nghiệp chây ì thực hiện.

Theo quy định của pháp luật , mức phạt hiện tại đối với doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn nữa đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn tránh, nợ đọng Bảo hiểm xã hội.

Cũng theo Liên đoàn lao động Thanh Hoá, tính đến 30/10/2016, có tới 7.897 doanh nghiệp chưa thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn, chiếm trên 94%. Trong đó, một số doanh nghiệp còn nợ kinh phí công đoàn lớn như: Công ty Delta (đóng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa), nợ gần 1 tỉ đồng; Công ty Ivory (đóng trên địa bàn huyện Hậu Lộc), nợ trên 1,3 tỉ đồng; Công ty TS Vina (đóng trên địa bàn huyện Yên Định), nợ trên 1,4 tỉ đồng…

Trần Lê

Tin liên quan:

Cà Mau: Đề nghị kỷ luật Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội

Ngày 10/1, ông Nguyễn Viết Tạo - Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau - cho biết, đơn vị này vừa chuyển hồ sơ đến Đảng ủy Dân chính đảng tỉnh Cà Mau đề nghị kỷ luật một Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau.

Theo đó, ông Lưu Tri Âm - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau - bị đề nghị kỷ luật với hình thức khiển trách Đảng. Về mặt chính quyền, ông Âm cũng bị đề nghị xử lý kỷ luật với hình thức tương tự. Trước đó, ông Nguyễn Chí Ngộ (nguyên Trưởng phòng Giám định thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau) bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền. Hiện, ông Ngộ bị điều sang làm Phó phòng Quản lý thu thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau.

Theo nguồn tin trên, ông Tri Âm và ông Ngộ bị kỷ luật vì đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Như Dân trí đã có nhiều tin, bài phản ánh, trong năm 2016, tỉnh Cà Mau để xảy ra tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền khá lớn. Trong các nguyên nhân xảy ra sai sót có việc để cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lạm xét nghiệm, các dịch vụ kỹ thuật, cung ứng dịch vụ quá mức quy định… nhưng không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, ngăn chặn từ đầu.

T.H

Để nhận bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng điều kiện gì?

Bạn Nguyễn Văn Dũng (TP HCM): Tôi đã có hơn 9 năm làm việc ở một công ty TNHH tại TP HCM. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 năm, công ty đã lâm vào tình trạng phá sản, hoạt động ngừng trệ, lương và các chế độ của người lao động không được đóng. Dự kiến cuối tháng 9, tôi sẽ chủ động nghỉ việc ở công ty này. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành, chế độ bảo hiểm thất nghiệp của tôi xử lý ra sao?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nếu ông Nguyễn Văn Dũng đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn theo quy định Khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm.

Việc làm