Thanh Hóa: Đầu tư 2.200 tỉ đồng đào tạo nghề phục vụ tái cơ cấu kinh tế

(Dân trí) - Nhằm đào tạo lực lượng lao động trực tiếp sản xuất đảm bảo đáp ứng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu, trình độ ngành nghề đào tạo hợp lý; tập trung đào tạo những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ chi 2.200 tỷ đồng cho kế hoạch này.

Theo kế hoạch nêu trên, sẽ có khoảng gần 290.000 người được đào tạo nghề nghiệp trình độ từ dưới 3 tháng đến cao đẳng trong giai đoạn 2017 - 2020 đối với các ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ. Trong đó, nông lâm, thủy sản là 43.449 người; công nghiệp, xây dựng 123.406 người; dịch vụ 119.745 người.


Nông nghiệp là lĩnh vực được quan tâm đào tạo nghề

Nông nghiệp là lĩnh vực được quan tâm đào tạo nghề

Đối tượng lao động từ 15 tuổi trở lên, có nhu cầu đào tạo và có sức khỏe phù hợp với ngành nghề đào tạo. Những đơn vị tham gia đào tạo là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng; các cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu rà soát, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của tỉnh này.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo nghề theo các phương thức giao chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo định mức đã được phê duyệt. Đặt hàng đào tạo hoặc hợp đồng đào tạo đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo quy định tại quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh cũng giao nhiệm vụ đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với mức chi phí đào tạo theo quy định. Đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp hoặc phối hợp, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp...

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 là 2.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thanh Hóa là 1.044 tỉ đồng, ngân sách trung ương 529 tỉ đồng, nguồn khác 627 tỉ đồng.

Đào tạo nghề nhằm góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa
Đào tạo nghề nhằm góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa

Trong đó, kinh phí chi cho đào tạo nghề là 1.482 tỉ đồng; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề 700 tỉ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên 10 tỷ đồng; xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu 8 tỉ đồng.

Giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đưa ra đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng lao động trực tiếp sản xuất, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp triển khai kế hoạch trong phạm vi, lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ, tích cực trong việc tuyển sinh, phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp...

Duy Tuyên