Thanh Hoá: Bỏ lương 14 triệu/tháng về quê trồng “siêu nấm” kiếm 500 triệu đồng/năm
Đó là anh Lê Minh Trường (SN 1990, thôn Trung Thượng, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) người bước đầu thành công từ mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo, đem lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Từ sự tình cờ của chàng kỹ sư
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử nhưng anh Trường lại đến với nghề nuôi trồng đông trùng hạ thảo như một cơ duyên. Anh Trường kể năm 2017, khi còn là công nhân kỹ thuật làm ở Samsung Bắc Ninh, trong một lần nghỉ giải lao cùng với bạn bè, anh tình cờ xem được một chương trình giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo có nhiều công dụng bổ ích cho sức khỏe.
“Lúc đó, bạn bè ngồi khen ngợi đông trùng hạ thảo có nhiều tác dụng ưu việt nếu ai sản xuất được thì lợi nhuận đem lại rất cao. Khi đó, tôi thầm nghĩ mình tìm hiểu thì sẽ làm được. Thế là 3 tháng sau tôi bỏ việc ở Samsung Bắc Ninh, quyết tâm đi tìm hiểu về đông trùng hạ thảo”, Lê Minh Trường nói về cơ xduyên đến với mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của mình...", anh Trường nhớ lại.
Với quyết tâm và niềm tin vào lý trí của mình, Trường bỏ việc với mức lương ổn định từ 12 - 14 triệu/tháng lên tỉnh Lai Châu xin vào làm tại một cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Tại đây, anh vừa làm vừa học...
Cùng với số tiền tích cóp được thời gian đi làm công ty, cuối 2018, Trường về quê vay mượn thêm vốn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua nguyên liệu để thực hiện mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Sau hơn 3 tháng, kết quả anh thu về là toàn bộ nấm bị mốc và hỏng hơn 80%.
Sau những lần thất bại Lê Minh Trường đã tìm tòi và học hỏi để đến với thành công từ đông trùng hạ thảo.
Mỗi lần thất bại, các mẫu bị chết đều gây mùi hôi thối, khó chịu. Lúc đó, anh Trường lại một mình thu dọn vệ sinh, khử trùng lại phòng nuôi cấy và làm lại từ đầu. Nhưng anh Trường không hề nản chí. Lúc này, đông trùng hạ thảo với anh không chỉ dừng lại ở tò mò mà đã biến thành đam mê mãnh liệt, thôi thúc anh thêm quyết tâm chinh phục loại “thần dược” này.
Không nản chí, Trường tiếp tục nghiên cứu, học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Lúc này, anh mới thấy nguyên nhân chưa thành công là do áp dụng quy trình sản xuất thủ công, nguồn nguyên liệu không bảo đảm. Để khắc phục khó khăn, anh mua máy hấp thanh trùng, tủ cấy vi sinh, đầu tư nhà lạnh tiếp tục công việc.
Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tu sửa lại phòng thí nghiệm, cân đối lại nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... trong từng giai đoạn phát triển của quy trình nuôi trồng. Thành công đầu tiên đã đến với anh khi giống bắt đầu lan tơ, mọc rễ, rồi những chồi đầu tiên bắt đầu mọc cây, anh Trường trào nước mắt tin rằng mình đã thành công giai đoạn đầu.
Thành công bước đầu
Dẫn chúng tôi đi xem mô hình nuôi đông trùng hạ thảo khép kín, có quy mô nuôi 4.000 lọ/lứa, với đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Cầm trên tay lọ đông trùng hạ thảo thành phẩm, anh Trường phấn khởi nói: “Tôi rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, sau khi đầu tư đầy đủ trang thiết bị và học hỏi kỹ thuật, tôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng. Sau 90 ngày, 4.000 lọ đông trùng hạ thảo đủ tiêu chuẩn được “ra lò”, bán với giá 150.000 đồng/lọ”.
Theo Lê Minh Trường việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo không hề dễ dàng, đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật và niềm đam mê với đông trùng hạ thảo.
Theo anh Trường cho biết: Để đảm bảo chất lượng của đông trùng hạ thảo, điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng như các giai đoạn của thời tiết trên độ cao hàng nghìn mét. Như khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi đông trùng hạ thảo lan đều và phủ kín bề mặt.
Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18 - 22 độ C độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.
Cũng theo anh Trường, nuôi trồng đông trùng hạ thảo không dễ vì loài này thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm (độ cao trung bình trên hơn 3.000 m so với mặt nước biển), đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển.
Trước hết phải chuẩn bị giá thể nuôi cấy đông trùng hạ thảo.Giá thể được làm từ gạo và trộn thêm một số vi lượng thiết yếu. Ngoài ra, sản xuất đông trùng hạ thảo rất khó bởi ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nắm chắc kỹ thuật nuôi, cấy mô, nguồn nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng thì đông trùng hạ thảo mới sinh trưởng tốt, hạn chế nấm bệnh.
Hiện Lê Minh Trương đã tạo cho mình một lối đi riêng từ mô hình đông trùng hạ thảo.
Theo sự tìm hiểu của Lê Minh Trường thì đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh trên côn trùng, vừa là thực vật vừa là động vật. Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý hiếm trên thế giới, có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, hiếm muộn, yếu sinh lý, tiểu đường…
Đông trùng hạ thảo chỉ phát triển ở các vùng núi cao trên 3.000m ở Tây Tạng (Trung Quốc) hay Himalaya ở Nepal nên có giá rất cao.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và bảo đảm sự phát triển bền vững của mô hình, ngoài việc tạo ra các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô.
Lê Minh Trường còn sản xuất ra dòng sản phẩm cao cấp như đông trùng hạ thảo được cấy trực tiếp lên con nhộng tằm. Ngoài ra, anh cũng chú trọng làm bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đông trùng hạ thảo riêng cho mình.
Theo Hữu Dụng/Danviet.vn