1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa: 150 công nhân sản xuất gạch kêu cứu vì bị nợ lương, BHXH

(Dân trí) - Nhiều năm qua, 150 công nhân Xí nghiệp gạch tuynel K2 Đông Văn thuộc Công ty CP Xây dựng Hà Nội (Hancorp.2), đóng trên địa bàn Thanh Hoá bị nợ lương, không được hưởng BHXH, phúc lợi…Dù đã được Bộ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa can thiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Nợ lương, không đóng tiền BHXH trong nhiều năm

Theo phản ánh của các công nhân Xí nghiệp gạch tuynel K2 Đông Văn, họ là những công nhân đã gắn bó với xí nghiệp cả chục năm. Hàng tháng, công nhân đều trích một phần tiền lương để đóng BHXH theo quy định.

Thế nhưng, gần 7 năm qua, Công ty CP Xây dựng Hà Nội (Hancorp.2) - đơn vị chủ quản của Xí nghiệp gạch Đông Văn đã chiếm dụng, không nộp về cơ quan BHXH.

Thanh Hóa: 150 công nhân sản xuất gạch kêu cứu vì bị nợ lương, BHXH - 1

Công nhân ra Công ty CP Xây dựng Hà Nội đòi quyền lợi.

Vì thế, công nhân đi khám, chữa bệnh không được chế độ BHYT, không được chi trả các phúc lợi xã hội, tiền ốm đau, thai sản… Đáng nói, gần 100 công nhân muốn chấm dứt hợp đồng lao động nhưng cũng không thể giải quyết chế độ.

Không những bị “ăn quỵt” tiền BHXH, tiền lương của 150 công nhân từ tháng 4/2018 đến nay cũng bị công ty nợ lại.

Được biết, ngày 28/9/2018, Công ty Hancorp.2 có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hoá và các ngân hàng liên quan đề xuất hỗ trợ trong việc bán tài sản doanh nghiệp để thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.

Theo đó, nợ các loại BHXH, BHYT, BHTN của người lao động lên đến trên 24,7 tỉ đồng, trong đó lãi gần 8,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn nợ ngân hàng, nợ ngân sách, nợ đối tác tổng cộng trên 100 tỉ đồng.

Để giải quyết, công ty đề nghị được bán 1 trong 2 nhà máy gạch và được giữ lại 37% để giải quyết chế độ cho người lao động.

Tuy nhiên, đến nay, việc bán một phần tài sản của công ty theo kế hoạch trên vẫn chưa thực hiện được.

Ông Lê Xuân Trường, đại diện cho 150 công nhân bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần ra Hà Nội, lên UBND tỉnh Thanh Hóa cầu cứu thế nhưng cho đến nay công ty vẫn không giải quyết chế độ cho chúng tôi”.

Nghỉ không được, làm không xong!

Đáng nói, do bị nợ lương quá lâu, không được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, 92 trong số 150 công nhân có nguyện vọng được chấm dứt hợp đồng lao động.

Thế nhưng, họ cũng bị “mắc kẹt” nghỉ không được, làm cũng không xong do không được giải quyết chế độ.

Thanh Hóa: 150 công nhân sản xuất gạch kêu cứu vì bị nợ lương, BHXH - 2

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp 150 công nhân và cam kết sẽ cho thanh tra lại sự việc.

Mặc dù, ngày 21/9/2018, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã tiếp đại diện của 150 CN xí nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu Công ty Xây dựng Hà Nội (hiện có vốn tại Công ty Hancorp.2 hơn 3,7 tỉ đồng, chiếm trên 46% vốn) ưu tiên giải quyết chế độ đau ốm, thai sản và thanh toán trước 1 đến 2 tháng lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đối với 92 trong số 150 công nhân có nguyện vọng kết thúc hợp đồng lao động và phải thực hiện trong tháng 9/2018.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị Giám đốc Sở LĐTB&XH Thanh Hoá tham mưu UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ cho Công ty Hancorp.2 bán một phần tài sản để ưu tiên giải quyết các chế độ chính sách cho công nhân.

Vẫn không được giải quyết quyền lợi theo yêu cầu của Bộ trưởng, ngày 20/11/2018, 92 công nhân lại ra Hà Nội yêu cầu Công ty Hancorp.2 trả quyền lợi.

Theo ông Lê Xuân Trường, đại diện cho 150 công nhân thì khi ra công ty tổng ngoài Hà Nội, họ được đại diện Công ty Hancorp.2 làm việc và cho biết chỉ có thể giải quyết chi hỗ trợ 92 công nhân mỗi người 1 tháng lương, thời gian thực hiện không muộn hơn 27/11/2018.

Dự kiến việc bán tài sản và thực hiện chế độ BHXH, phúc lợi cho công nhân không muộn hơn quý II/2019. Thế nhưng, cho đến nay, mọi lời hứa hẹn trên vẫn không được thực hiện.

Liên quan đến vụ việc, trong buổi tiếp công dân cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã cam kết với đại diện người lao động sẽ quan tâm phối hợp với các bộ, ngành xử lý đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trước mắt là cho thanh tra lại sự việc.

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc BHXH TP. Thanh  Hóa cho biết, tính đến tháng 5/2019, đơn vị này đã nợ BHXH hơn 27 tỷ đồng.

“Đơn vị này mới nộp BHXH đến tháng 8/2012. Họ đã bị Cục thuế cưỡng chế từ năm ngoái. Năm ngoái chúng tôi cũng đã đề nghị đơn vị có đơn dừng hoạt động để không phát sinh kinh phí nhưng họ không làm. Hiện về lý thì họ vẫn hoạt động nhưng trên thực tế thì đã ngừng từ năm ngoái” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghĩa thì liên quan đến sự việc, Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Lao động, các đoàn của tỉnh cũng đã làm việc. Tháng trước, công nhân họ đã kéo ra tổng Công ty Xây dựng Hà nội và Bộ Xây dựng, sau đó về thì Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng đã đối thoại. Sau cuộc đối thoại đó thì tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra gồm Sở Lao động, Công an, BHXH, Sở Tài chính, Sở TN&MT, UBND huyện Đông Sơn. Hiện nay đoàn đang làm để tìm phương án giải quyết.

Để tìm hiểu thêm vấn đề trên, PV đã tìm đến trụ sở Xí nghiệp gạch Tuynel có trụ sở tại xã Đông Văn (Thanh Hóa) tuy nhiên đơn vị đã đóng cửa không hoạt động, lãnh đạo không còn ai làm việc.

Bình Minh