Thanh Hoá: 135 doanh nghiệp, gần 23.000 lao động bị tác động do Covid-19
(Dân trí) - Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá, dịch Covid-19 đã làm cho 135 doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực tới việc làm, đời sống của 23.000 người lao động.
Gần 23.000 lao động bị ảnh hưởng
Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá, qua nắm bắt tình hình ở các doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh từ khâu nhập nguyên liệu, đến khâu xuất khẩu thành phẩm.
Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, các doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thống kê đến giữa tháng 4/2020 cho thấy, có 135 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó 46 doanh nghiệp ngừng việc tạm thời, 1 doanh nghiệp giải thể, 55 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, 33 doanh nghiệp cho công nhân nghỉ luân phiên và hoạt động cầm chừng.
Tính đến ngày 15/4, có 22.914 NLĐ bị ảnh hưởng, trong đó có 5.013 lao động phải nghỉ việc, 12.719 lao động chấm dứt hợp đồng, 5.110 lao động nghỉ luân phiên...
Các công ty thuộc Tập đoàn Hongfu đã phải cắt giảm khoảng 2.500 lao động thử việc; Công ty SH Vina cho 1.500 lao động nghỉ việc...
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với người sử dụng lao động bố trí ca làm việc cho người lao động (NLĐ) một cách hợp lý.
Đồng thời các cấp công đoàn chủ động thương lượng với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca, hỗ trợ chi phí cho công nhân lao động có con nhỏ do phải nghỉ học...
Nguy cơ cắt giảm 50 % lao động
Qua báo cáo của các cấp công đoàn Thanh Hoá cho thấy, các doanh nghiệp sẽ tiến hành cắt giảm lao động theo thứ tự như: Cắt giảm toàn bộ lao động đang trong thời gian thử việc; nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục như hiện nay sẽ cắt giảm đến lực lượng lao động có thời hạn làm việc tại doanh nghiệp dưới 1 năm.
Đồng thời, các doanh nghiệp đã bố trí cho NLĐ làm việc luân phiên để duy trì hoạt động; từ tháng 5 trở đi nếu dịch Covid-19 vẫn chưa giảm thì sẽ tiếp tục cắt giảm đến lực lượng hợp đồng đã làm việc tại doanh nghiệp từ 1 năm trở lên.
Dự báo cao nhất có khả năng phải cắt giảm tối đa đến 50% lực lượng lao động của doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, LĐLĐ Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các cấp Công đoàn trên địa bàn yêu cầu các đơn vị bằng các biện pháp phù hợp để nắm chắc tình hình sản xuất, phương án sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
Để NLĐ đang làm việc an tâm sản xuất, thu hút được NLĐ đã nghỉ việc trở lại làm việc, đề nghị doanh nghiệp có chính sách giữ chân NLĐ khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại. Xem xét hỗ trợ một phần kinh phí khi họ nghỉ việc, đồng thời có chính sách ưu tiên tuyển dụng để thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với NLĐ.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên phải xây dựng phương án tinh giảm lao động theo đúng quy định, đảm bảo các chế độ cho NLĐ và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động.
Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, động viên để NLĐ hiểu và chia sẻ cùng doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đề nghị doanh nghiệp phải tuyên truyền cho NLĐ biết trước khi thực hiện việc tinh giảm.
Để giữ chân được NLĐ, doanh nghiệp cũng thuận tiện trong việc tuyển dụng NLĐ khi có nhu cầu, Công đoàn nên tư vấn cho người sử dụng lao động thỏa thuận với NLĐ để hoãn hợp đồng lao động (loại hợp đồng thử việc và hợp đồng có thời hạn dưới 1 năm).
LĐLĐ Thanh Hóa cũng đề nghị dùng ngân sách của tỉnh mua và cung cấp máy đo thân nhiệt, khẩu trang cho doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 ở giai đoạn cao điểm.
Chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ về chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, cơ cấu gia hạn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; có chính sách hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm.
LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu chính sách hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19 và hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện.
Quy định cụ thể các đối tượng doanh nghiệp được giảm, hoãn, không phải trích kinh phí Công đoàn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Duy Tuyên