"Thằng này hết thuốc chữa rồi!"
“Để tụi tui đón đường, đập cho nó một trận cho nó chừa cái tật nịnh hót, thượng đội hạ đạp”- Bé Năm, một công nhân (CN) trong tổ tức tối. Mấy CN khác cũng phụ họa: “Đúng rồi. Thằng này hết thuốc chữa, phải đập nó một trận mởi hả giận”, “Không đánh dằn mặt nó, nó còn hại anh em mình dài dài...”.
Lãnh đạo cần bộ máy tham mưu tốt chứ không cần "thầy dùi"
Từ lâu anh em trong công ty rất ghét Minh. Lý do là vì anh ta luôn tìm cách cắt giảm quyền lợi CN. Anh ta đề xuất giám đốc thực hiện những chính sách trời ơi, đất hỡi mà chẳng biết sao giám đốc cũng thực hiện.
Chẳng hạn như việc nghỉ phép năm. Luật cho phép cộng dồn tới 3 năm đối với những người ở xa nhưng phòng nhân sự tham mưu cho giám đốc bắt CN phép tháng nào phải nghỉ tháng đó, nếu nghỉ dài ngày thì phải nghỉ không lương.
Minh còn tham mưu cho giám đốc trừ tiền chuyên cần CN không bảo đảm ngày công, bất kể vì lý do gì, đau ốm, bệnh tật cũng mặc kệ; thậm chí có người bị tai nạn lao động phải nghỉ dài ngày cũng bị trừ tiền chuyên cần.
Nữ CN nghỉ thai sản thì bị xếp thi đua ở bậc thấp nhất. Lúc trước bữa ăn của CN là 15.000 đồng, sau khi giá xăng giảm, Minh cũng tham mưu cho giám đốc giảm xuống còn 12.000 đồng; tiền phụ cấp đi lại của anh em cũng bị giảm từ 150.000 đồng xuống 120.000 đồng...
Điều CN ghét nhất ở Minh là lúc nào cũng quát tháo, hách dịch với CN nhưng trước mặt ban giám đốc nước ngoài thì khúm núm, quỳ lụy. Những ý kiến thắc mắc, khiếu nại của CN gửi cho ban giám đốc, Minh “ách” lại hết; chỉ đến khi CN ngừng việc thì ban giám đốc mới biết CN đã gửi kiến nghị trong hòm thư nhưng không được phòng nhân sự xử lý, chuyển cho lãnh đạo.
Và giọt nước làm tràn ly là mới đây, nhân đám cưới một CN của công ty, Minh được mời tham dự. Khi đã ngà ngà say, anh ta chỉ vô mặt Bé Năm chửi: “Cái mặt mày nhìn ngu vậy mà sao con Hương yêu mày? Mày có dám cá với tao là tao sẽ cua con Hương không?”. Lúc đó Bé Năm đã chồm lên. May mà mọi người kịp ôm lại, không thì đã xảy ra ẩu đả.
Sau đám cưới, Bé Năm và nhóm bạn của cậu ta vẫn chưa hết hậm hực. Họ túm tụm bày kế đón đường đánh dằn mặt Minh cho bõ ghét. Tôi một mặt can ngăn nhưng trong bụng cũng thấy Minh đáng ăn đòn thật. Cái kiểu lấc cấc như vậy, không bị CN của công ty đánh thì ra ngoài cũng bị người khác đánh.
Thế nhưng, khi tôi lỡ miệng nói ra chuyện này với Quỳnh Như, người yêu tôi, thì cô quyết liệt ngăn cản: “Nếu CN bức xúc thì cứ nói thẳng với ban giám đốc, đừng thông qua phòng nhân sự nữa. Bên công ty em, chỉ có giám đốc mới được mở hòm thư CN. Hay là anh nói với anh em viết đơn kiến nghị rồi “canh me” giám đốc, đưa tận tay cho ông ấy xem sao?”.
Tôi thấy ý Quỳnh Như cũng hay. Cứ nói trực tiếp với giám đốc công ty, biết đâu mọi chuyện sẽ được giải quyết rốt rẻng? Thế nhưng như vậy thì có thể bị cho là “vượt cấp”, là vi phạm quy chế của công ty. Nếu giám đốc hiểu chuyện thì không sao; còn không, tôi lại bị lôi đầu ra xử lý vì lỗi “lôi kéo, kích động CN làm loạn” cũng không biết chừng!
Cách gì để có thể vừa trị được tay giám đốc nhân sự cà chớn của công ty mà CN không bị ảnh hưởng, không bị trù dập, tới giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra. Trong khi đó, nguy cơ Minh “bị đập” là rất lớn.
Theo Báo Người Lao động