Hà Tĩnh:

Thăm "ngôi nhà chung" giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười

Văn Dũng

(Dân trí) - (Dân trí) -"Ngôi nhà chung" là nơi nương tựa, giúp cho nhiều người già tìm lại được niềm vui, sự yêu thương và động lực sống có ích.

Thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) đúng lúc bữa trưa đang chuẩn bị dọn ra.

Chỉ trừ các cụ lớn tuổi gặp khó trong đi lại được phục vụ tại chỗ, còn lại hàng chục cụ đến từ nhiều địa phương khác nhau tựu tề tại căng tin của “mái nhà chung” để dùng cơm trưa.

Bữa cơm tại Trung tâm với rau xào, thịt gà vàng ươm, cá kho, canh mướp. Các cụ, các ông bà vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ đầy rôm rả. 

Thăm ngôi nhà chung giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười - 1

Bữa trưa đầy ấm cúng của các cụ tại mái nhà chung Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh. Ảnh: Ninh Hà.

Trong cuộc trò chuyện, nhiều cụ rưng rưng nước mắt kể rằng cuộc đời cũng có nhiều vất vả. Nhưng rồi đặt chân tới mái nhà chung này, cuộc đời và suy nghĩ của các cụ đã thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, 80 tuổi ở xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) là người như thế.

Thăm ngôi nhà chung giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười - 2

Bà Nghĩa cười tươi khi chuyện trò với cán bộ y tế của trung tâm.

Bà Nghĩa từng không có nơi nương tựa tại "rốn lũ" của huyện miền núi Hương Khê. Nhưng cuộc đời bà đã khác đi khi đặt chân tới Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội.

“Tôi vào đây đã hơn 15 năm. Mọi thứ đã đổi thay theo hướng tích cực. Hơn 15 năm qua, tôi coi đây là mái ấm của mình. Tôi đã có những người bạn tuổi già. Đặc biệt, tôi có những người con nhân nghĩa là cán bộ nhân viên trung tâm” - bà Nghĩa.

Bà hồ hởi: "Tết đến, Trung tâm lo cho chúng tôi chu đáo, giúp vơi đi nỗi buồn nhớ quê. Bữa cơm tất niên được cán bộ phục vụ có đầy đủ bánh chưng, dưa hành, giò. Những người như tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng. Những năm tháng “xế chiều” với tôi như thế này là quá hạnh phúc".

Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Xuân Linh (81 tuổi) ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ở quê, ông gần như giam mình trong căn nhà chật chội, bà con lối xóm thương lắm, nhưng cũng chỉ giúp đỡ được phần nào.

"Từ khi vào sống ở trung tâm, tôi cảm thấy vui hơn vì có bạn bè, tình cảm ấm áp vô cùng. Đặc biệt từ lãnh đạo đến nhân viên đều quan tâm chúng tôi và có những tình cảm lưu luyến" - ông Linh vui mừng chia sẻ.

Thăm ngôi nhà chung giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười - 3

Những cuộc chuyện trò đầy hứng khởi, giúp các cụ phần nào quên đi cuộc đời không may mắn.

Nhiều cụ tâm sự, ở quê vì sức khỏe, mặc cảm và điều kiện khó khăn, nên ít khi tham dự các sự kiện thể thao, giao lưu văn nghệ.

Nhưng ở trung tâm thì khác, nhiều chương trình vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ được tổ chức, các cụ hăng hái tham gia. Rồi các cụ được tặng quà, đi tham quan, thắp hương tại nhiều địa chỉ lịch sử, văn hóa.

“Bà không có con cái, nên khi vào sống ở trung tâm được các nhân viên coi như mẹ nên cũng cảm thấy ấm áp hơn. Sống ở đây đầm ấm và rất nghĩa tình. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ tại trung tâm. Tôi và mọi người ở đây tìm lại được nụ cười, niềm vui của cuộc sống”- bà Phan Thị Tùng (75 tuổi, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) xúc động chia sẻ.

“Mỗi cụ ở đây đều là người thân ruột thịt”

Ông Trần Viết Tới - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh - cho biết: Trung tâm hiện có 46 cán bộ, nhân viên (CBNV). Công việc của cán bộ, nhân viên ở đây là phụng sự, phục vụ các đối tượng chính sách, mảnh đời neo đơn, bất hạnh.

“Tôi hay nói đùa với anh em, công việc của chúng ta là làm thế nào để các cụ có được nụ cười, niềm vui trong cuộc sống. Không làm được điều đó, có nghĩa là công việc của ta chưa hoàn thành”- ông Tới nói. 

Bởi thế, các bộ nhân viên ở đây tự xác định các cụ sống những ngày cuối đời ở trung tâm như chính bố mẹ đẻ của mình, chăm sóc các cụ một cách tốt nhất.

Cán bộ y tế của trung tâm luôn trực 24/24h, trong trường hợp có người nhập viện, cán bộ trung tâm phải đi theo để chăm sóc, bởi các đối tượng hầu như không có thân nhân. Với những cụ ở khu chuyên biệt, mọi sinh hoạt đều dựa vào nhân viên chăm sóc không chỉ bằng chuyên môn, trách nhiệm mà còn là cái tâm.

Thăm ngôi nhà chung giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười - 4

Cán bộ trung tâm tận tình vệ sinh cho các đối tượng không thể đi lại.

Ngoài chăm lo ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh, theo ông Tới, cán bộ ở trung tâm phải tự bổ trợ, tập luyện thêm về khả năng văn nghệ, tổ chức trò chơi. Mỗi cán bộ đều phải biết cách để ngay từ lời ăn tiếng nói cũng mang lại cho các cụ niềm vui, động lực sống.   

Trong rất nhiều câu chuyện xúc động về các nhân viên của trung tâm, chúng tôi đã rất cảm động khi biết về hoàn cảnh của nhân viên y tế Thái Thị Trà quê ở huyện Hương Sơn.

Làm việc tại trung tâm đã gần 10 năm, do hoàn cảnh chồng là bộ đội xa nhà, 2 con còn nhỏ nên đều đặn hàng ngày, chị Trà sáng đi tối về. Những ngày thời tiết đẹp đã đành, những ngày mưa bão, Trà vẫn miệt mài đi về không chút nề hà.

Chị Trà cho biết: “Các đối tượng ở trung tâm, hầu như ai cũng cần tình thương yêu. Càng gắn bó với trung tâm, càng tiếp xúc với nhiều cảnh đời cô đơn, bệnh tật, lòng trắc ẩn trong tôi càng lớn. Hàng ngày, chứng kiến các cụ tinh thần phấn chấn khi nhận được sự quan tâm của CBNV trung tâm, tôi càng có thêm động lực để cố gắng”.

Thăm ngôi nhà chung giúp những người cao tuổi tìm lại nụ cười - 5

Tình cảm và trách nhiệm của các cán bộ Trung tâm nơi đây đã thật sự làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực, giúp cuộc sống những ngày cuộc đời còn lại của các cụ ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.

Niềm vui của các cụ cũng là hạnh phúc của những người làm việc một cách thầm lặng, giúp họ thêm động lực để tiếp tục vun đắp cho "mái nhà chung" ngày càng ấm áp hơn, tiếp tục là điểm tựa cho các mảnh đời bất hạnh, neo đơn ở tuổi xế chiều.