Tết Hàn thực: Bán hết cả tạ bột nếp, lãi tiền triệu một ngày
Theo nhiều tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) Tết hàn thực là dịp mà mặt hàng bột nếp bán chạy nhất. Theo đó, riêng ngày Tết hàn thực mỗi một tiểu thương cũng bán hết cả tạ bột nếp và thu về lãi “khủng”.
Theo quan niệm dân gian, Tết Hàn thực (ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch), các gia đình Việt sẽ ăn đồ lạnh để tưởng nhớ đến tổ tiên. Và món ăn truyền thống mà người dân Việt từ bao đời nay chọn lựa đó là bánh trôi, bánh chay.
Do Tết Hàn thực năm nay rơi vào ngày thứ 5 trong tuần, đại bộ phận mọi người vẫn phải đi làm nên không có nhiều thời gian sửa soạn để mua gạo, xay bột làm bánh trôi, bánh chay. Vậy nên, nhiều cửa hàng bán bột nếp làm bánh trôi, bánh chay cũng nhờ thế mà đắt khách. Ngoài ra, việc làm sẵn bánh trôi, bánh chay bán cho khách hàng cũng được nhiều cửa hàng này kinh doanh và thu về lợi nhuận “khủng”.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) giá một kilogam (kg) bột nếp dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng tùy loại bột. Theo đó, những tiểu thương tại đây bày bán các loại bột nếp bao gồm: bột nếp từ gạo lai, bột nếp từ gạo nếp cái hoa vàng, bột nếp ngũ sắc.
Không chỉ bán bột nếp, bánh trôi – chay đã chín mà nhiều tiểu thương còn bán nhân làm bánh như đỗ xanh đã xay nhuyễn, đường mía, dừa tươi thái sợi và vừng. Theo nhiều tiểu thương tiết lộ, nếu ngày thường chỉ bán được chừng 30kg bột thì ngày Tết Hàn thực, con số bán được lên gấp 4 – 5 lần, thậm chí, nếu đắt khách còn bán được vài tạ là chuyện bình thường. Cùng với số lượng bột nếp bán được, thì tiền lãi cũng tăng lên gấp bội, và doanh thu ngày Tết Hàn thực cũng lên con số vài triệu đồng/ngày.
Chị Thanh Hương, chủ một cửa hàng bán bột nếp tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Ngày Tết Hàn thực hay gọi nôm na là Tết bánh trôi, bánh chay, mặt hàng bột nếp bán rất chạy. Người dân họ không có thời gian mua gạo về xay bột làm bánh, nên mỗi gia đình thường mua 2 – 3 kg bột cùng với nhân bánh và về nhà tự tay làm. Mọi người bắt đầu mua nhiều từ ngày mồng 2/3 âm lịch. Còn với những gia đình bận rộn thì chọn bánh đã làm sẵn. Giá một đĩa bánh làm sẵn từ 10.000 – 15.000 đồng tùy thuộc vào loại bột”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, nếu các loại bánh khác, khâu quan trọng nhất là cách làm thì bánh trôi, bánh chay khâu quan trọng nhất bột. Theo đó, phải chọn được loại bột ngon từ gạo nếp cái hoa vàng. Tuy nhiên, để bánh được dẻo không bị dính thì nên trộn một tỉ lệ phù hợp bột gạo tẻ.
Khâu quan trọng tiếp theo mà chị Hương cho biết là khâu nhào bột. Theo đó, tỉ lệ nước phải chuẩn thì bánh mới dẻo và ngon. Nếu không đúng tỉ lệ bột sẽ nhão hoặc khô khiến bánh bị hỏng.
Theo chị Mai Hoài Thu (Giáp Bát – Hà Nội), chủ một cửa hàng bán bột làm bánh thì trước ngày Tết Hàn thực, gần như cả gia đình chị không ngủ vì phải thức đêm xay gạo. Theo đó, bột nếp muốn làm bánh ngon thì nên xay dạng bột nước, còn xay bột khô thì bánh sẽ bị khô và không để được lâu.
Chị Thu dự kiến sẽ xay chừng 150kg gạo nếp để bán sáng ngày 3/3 âm, nếu đầu giờ sáng mà số bột bán hết thì sẽ xay thêm để bán phục vụ mọi người buổi chiều và tối.
Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình (Hoàng Mai – Hà Nội) cho rằng, Tết Hàn thực cũng giống như Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Theo đó, đây là dịp mà con cháu sẽ nhớ về ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp mà cả gia đình cùng quây quần bên nhau để làm nên những chiếc bánh trôi, bánh chay thành kính dâng lên tổ tiên để báo hiếu.
"Năm nào nhà tôi cũng làm bánh trôi, bánh chay. Vừa để dạy cho các cháu nhỏ biết về truyền thống văn hóa của ông cha vừa để dâng lên tổ tiên món bánh dân dã”, bà Bình nói.
Tết Hàn thực với người Việt là một cái Tết thật đẹp, ý nghĩa. Không chỉ đẹp bởi lòng thành báo hiếu với tổ tiên bằng món ăn giản dị - bánh trôi, bánh chay, mà ngày Tết còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ và truyền lại từ xa xưa.
Theo Vietq.vn