Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch

Đăng Đức

(Dân trí) - Nhiều năm tha hương làm ăn ở phía Nam, điều kiện khó khăn nên nhiều lao động ít có cơ hội về quê dịp Tết. Năm nay, họ có cơ hội đón Tết sum vầy bên gia đình.

Ấm áp Tết quê 

Kể từ lần về quê đón Tết vào năm 2016, vợ chồng anh Lê Thiện Quang (SN 1986, trú tại phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và Vũ Thị Hường (SN 1992, quê ở Nam Định) mới có cơ hội đoàn tụ bên gia đình vào dịp Tết cổ truyền.

Hơn 17 năm làm công nhân may ở TPHCM, anh Quang từng có ý nghĩ sẽ bám trụ ở thành phố, nhưng dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Vì vậy khoảng 4 tháng trước, vợ chồng anh quay trở lại quê hương.

Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch - 1

Về quê làm việc, anh Khánh có cơ hội đoàn tụ bên gia đình vào dịp Tết.

Hai tháng nay, vợ chồng anh Quang xin vào làm việc tại Công ty TNHH dệt may Thời Đại (đóng tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Sẵn có tay nghề và kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực may mặc, vợ chồng anh Quang được trả lương khá cao.

"Làm việc ở TPHCM, tôi được nhận mức lương 18 triệu đồng/tháng. Nhưng chi phí ăn uống, thuê nhà trọ nên không dư được bao nhiêu. Về quê, được vào làm việc ở công ty gần nhà, tôi thấy môi trường làm việc rất tốt, các chế độ lương, thưởng đều đảm bảo. Hơn nữa, ai có tay nghề cao thì nhận lương cao nên rất phù hợp, anh Quang tâm sự.

Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch - 2

Chị Hường cho biết, môi trường làm việc ở quê cũng tốt, được sống gần gia đình.

"Chia sẻ về kế hoạch đón Tết ở quê, anh Quang nói, nhiều năm rồi hai vợ chồng anh không được đón Tết bên gia đình nên thấy rất nhớ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận: "Có thể do phong tục, lối sống mỗi nơi mỗi khác nhưng tôi thấy Tết ở quê đậm đà, ấm áp hơn. Những năm ở lại thấy rất buồn vì không có người thân. Năm nay được về bên gia đình sẽ thấy rất tình cảm và vui hơn vì cả gia đình được sum họp, đoàn tụ bên nhau", anh Quang chia sẻ.

Mức lương không thua kém trong Nam, đổi lại con của anh chị được ở bên ông bà, các chi phí cho cuộc sống cũng thấp hơn.

Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch - 3

Nhiều công ty may sẵn sàng trả lương cao cho những lao động có tay nghề.

Về quê đợt này, vợ chồng anh Quang quyết định ở lại lập nghiệp chứ không quay trở lại TPHCM. Theo anh Quang, bây giờ ở quê hương có nhiều công ty may mở ra nên nhu cầu tuyển công nhân rất nhiều. Đây chính là cơ hội cho những người chưa có việc làm.

Quyết định gắn bó với quê hương

Đó là chia sẻ của anh Mai Văn Khánh (SN 1994, trú ở xã Hải An, huyện Hải Lăng) khi nói về dự định sau lần hồi hương đáng nhớ mấy tháng trước. Theo anh Khánh, cả vợ và chồng đều làm công nhân may ở TPHCM. Sau hơn 6 năm gắn bó, dịch bệnh xảy ra nên tháng 8/2021, vợ chồng anh quyết định đi xe máy đưa con về quê.

Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch - 4

Sau nhiều năm làm ăn xa quê, anh Khánh quyết định ở lại quê nhà làm việc.

Ba tháng nay, vợ chồng anh Khánh xin vào làm ở xưởng may Hải An (thuộc chi nhánh của Công ty cổ phần may Quảng Trị).

"Về đây thu nhập thấp hơn nhưng cuộc sống cũng dễ chịu, chi phí thấp, có ba mẹ giúp trông con nên cũng đỡ tốn tiền gửi trẻ. Trong khi đó, môi trường làm việc ở quê cũng khá thoải mái, nhiều công ty may có nhu cầu tuyển dụng nên tôi sẽ gắn bó ở quê nhà", chị Lê Thị Hương - vợ anh Khánh chia sẻ.

Những năm trước, vợ chồng Khánh không về quê đón Tết mà ở lại TPHCM. Nhưng năm nay, vợ chồng trẻ sẽ được sum họp bên gia đình nên đều phấn khởi.

"Về đến nhà thấy ba mẹ cũng vui hơn vì được gần con cháu. Tết năm nay cả gia đình được sum vầy bên nhau nên sẽ rất hạnh phúc", anh Khánh bày tỏ.

Tết đầm ấm của nhiều lao động về quê tránh dịch - 5

Nhiều lao động tại xã Hải An trở về từ phía Nam xin vào làm việc ở cơ sở may trên địa bàn.

Theo ông Lê Bá Phước - Chủ tịch UBND xã Hải An, huyện Hải Lăng, hàng năm qua thống kê, địa phương có khoảng 1.000 lao động vào làm việc ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu làm trong các công ty, xí nghiệp may mặc. Trong đó, một bộ phận đã sinh sống, định cư ổn định ở các tỉnh.

Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên rất nhiều con em địa phương trở về quê tránh dịch. Sau khi về quê, UBND xã đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những lao động này để phối hợp với các đơn vị giới thiệu việc làm cho công dân trở về.

"Hiện một số lao động đã quay trở lại miền Nam, số khác không có điều kiện thì tiếp tục ở lại quê hương. UBND xã đã đề nghị các xưởng may, công ty trên địa bàn tạo việc làm cho lao động. Qua đó, một số lao động đã vào làm việc tại xưởng may trên địa bàn xã Hải An và công ty may Phong Phú (thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng). Số còn lại theo nghề biển, làm thợ nề, làm mộc…", ông Phước nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Hải An, thời gian tới, khi các dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Nam mở ra, xã sẽ đề xuất mở các lớp đào tạo nghề, tạo cơ hội cho lao động tìm kiếm việc làm.