1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Tạo việc làm thông qua phát triển kinh tế địa phương

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo và ký kết văn bản triển khai dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương”.

Dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương” đựơc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 487/TTg-QHQT ngày 23/3/2010. Dự án gồm 3 cấu phần: cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ tạo việc làm; đào tạo nghề và khởi sự doanh nghiệp  cho thanh niên; cải thiện khả năng tiếp cận thị trường qua phát triển chuỗi giá trị. Thời gian thực hiện dự án trong hai năm 2010 và 2011, tổng ngân sách thực hiện khoảng 1,175 triệu USD.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp là thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thông qua mục tiêu “cải thiện kỹ năng việc làm và cơ hội việc làm cho nam nữ thanh niên thông qua việc tăng cường năng lực và kỹ năng về việc làm, kỹ năng khởi nghiệp, cải thiện cơ hội việc làm và chất lượng việc làm tại tỉnh Quảng Nam thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển kinh doanh và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường”.

Trước mắt, dự án đựơc triển khai tại 5 huyện: Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, Nam Trà My và Phước Sơn. ILO tiến hành hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực cho thanh niên, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường đối thoại, tạo việc làm và phát triển kinh tế, kết hợp kiến thức địa phương và khả năng thích ứng để ứng dụng vào dự án một cách nhịp nhàng.

Bà Mimi Groenbech, Cố vấn trưởng Dự án cho biết: nhằm thực hiện tốt Dự án, chúng tôi hướng đến đối tượng là nam nữ thanh niên tại Quảng Nam có mong muốn tìm đựơc việc làm ổn định hoặc muốn bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ hoặc rất nhỏ, chủ doanh nghiệp và những người quản lý doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình, những người làm việc độc lập trong khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức và các hợp tác xã; người dân tộc tại Quảng Nam... Từ đây tạo điều kiện cho thanh niên tại địa phương cơ hội việc làm và tiếp cận thị trường một cách khoa học đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế.

Được biết hiện nay tỉnh Quảng Nam có khoảng 29,5% công nhân đã qua đào tạo nghề, trong đó có khoảng 22% đã qua đào tạo tại các trường dạy nghề. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm hoặc việc làm không ổn định lên đến hơn 70%.

 

Công Bính