Tạo cơ hội việc làm cho người lao động Nghệ An từ vùng dịch về
(Dân trí) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động phải bỏ phố về quê. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, doanh nghiệp ở Nghệ An đang tìm hướng để giải quyết tình trạng "dư người, thiếu việc".
Nhu cầu tuyển nhiều
Đang làm việc cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1988, quê ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành) quyết định về quê. Tuy nhiên, chị đang gặp rất nhiều khó khăn vì không có việc làm để mưu sinh.
Trở về quê đã gần 2 tháng nay, không có thu nhập trong khi đó chi phí trang trải cuộc sống của gia đình khiến áp lực sớm tìm được việc làm đang đè nặng lên đôi vai chị.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, nguyên nhân chưa thể tìm được việc làm là do trong thời gian này, ở quê tình hình dịch bệnh cũng đang phức tạp. Điều chị mong muốn nhất lúc này là sớm tìm được cho mình công việc phù hợp để có thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
Tương tự, anh Đặng Trọng Huy (35 tuổi, quê ở huyện Tân Kỳ) đang chật vật đi tìm việc làm. Trước đây, anh cùng vợ đều là công nhân tại một công ty chuyên về thức ăn ở tỉnh Bình Dương. Sau khi trở về quê, vì vợ đang chuẩn bị sinh con còn anh vì không có bằng cấp nên khó tìm được công việc ổn định.
Anh chia sẻ: "Từ lúc ở Bình Dương về quê, tôi phải đi xin làm mọi việc như: Phụ hồ, bóc vỏ keo… nhưng những công việc này không ổn định, thu nhập không cao nên tôi đang muốn tìm cho mình một công việc mới tốt hơn".
Không riêng gì chị Nguyễn Thị Tuyết và anh Đặng Trọng Huy, địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 27.000 người trở về từ các tỉnh thành khác trên toàn quốc. Trong số này thì có đến 70-80% nằm trong độ tuổi lao động, đa số các lao động trở về quê chưa tìm được việc làm. Nguyên nhân chính là họ đang trong thời gian cách ly y tế và chưa tìm được công việc phù hợp.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty đang có nhu cầu và thông báo tuyển dụng. Tuy nhiên đối với số lao động mới trở về quê tránh dịch thì chưa đáp ứng nhu cầu ngay.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc nhân sự công ty may An Hưng (đóng tại xã Công Thành, huyện Yên Thành), cho biết: "Hiện tại, phía công ty có gần 1.900 lao động, nên phải làm việc theo hình thức luân phiên, thay ca nhau. Theo kế hoạch, phía công ty sẽ cần tuyển thêm khoảng 3.000 công nhân nữa mới đáp ứng quy mô sản xuất".
Tương tự như công ty may An Hưng, từ thời điểm này đến cuối năm 2021, công ty may Minh Anh trú trên địa bàn huyện Đô Lương sẽ tuyển thêm 1.000 công nhân, đầu năm 2022 con số cần tuyển dụng là từ 4.000-6.000 công nhân.
"Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho các công nhân có cơ hội làm việc. Bên cạnh ưu tiên những công nhân đã có tay nghề, phía công ty sẽ mở các lớp đào tạo nghề, khuyến khích người lao động bằng nhiều biện pháp như: Đảm bảo đời sống công nhân, an toàn lao động, mức đãi ngộ…", một lãnh đạo công ty Minh Anh nhấn mạnh.
Tìm hướng giải quyết cho người lao động
Theo ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành, toàn huyện đang có trên 150.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó hơn 15.000 người đi xuất khẩu lao động; hơn 40.000 lao động làm việc tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM (số lao động này về quê tránh dịch thời gian qua chiếm trên 28%)…, số còn lại ở địa phương.
"Để hỗ trợ lao động mất việc làm, đặc biệt là lao động từ miền Nam về quê tránh dịch... phía đơn vị đang nắm bắt thị trường lao động để giới thiệu việc làm (trong nước và xuất khẩu lao động). Đồng thời khuyến khích người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại...", ông Vũ Văn Quyền nhấn mạnh.
Được biết, địa bàn huyện Yên Thành hiện có 7 nhà máy may, quy mô từ 500 - 2.000 công nhân, có thể tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Đây là cơ hội tốt để cho người lao động sớm tìm được việc làm ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An, hiện nay, nhiều lao động trở về quê đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Vì sau khi về quê, nhiều lao động phải cách ly, môi trường làm việc chưa phù hợp...
"Nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, chính quyền cùng các cấp công đoàn, ngành LĐ-TB&XH đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường lao động, ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống, liên hệ các doanh nghiệp...", bà Nguyễn Thị Thu Nhi cho biết.
Cũng theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An, hiện nay số lao động trở về quê ngày một tăng, không nên để tình trạng "dư người, thiếu việc". Đây là một trong những vấn đề mà các ban, ngành, cơ quan chức năng nên sớm tìm biện pháp để giải quyết dứt điểm.