Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 và 62: Có làm giảm năng suất lao động?

(Dân trí) - Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tăng tuổi hưu đang là vấn đề toàn cầu và việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ sớm được thực hiện trong nay mai. Đồng thời, việc tăng tuổi hưu của nữ, nam lên 60 và 62 ở VN không ảnh hưởng tới năng suất lao động, nếu biết sử dụng lao động lớn tuổi hợp lý.

Ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO), đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tác động tới an toàn của quỹ BHXH.

Thưa ông, được biết khi tham vấn cho Việt Nam xây dựng Luật BHXH năm 2014, ILO có đưa ra cảnh báo nếu cứ áp dụng công thức tính cũ của Luật BHXH 2006, tới năm 2034 sẽ có nguy cơ vỡ quỹ BHXH? Vậy với công thức tính của Luật BHXH 2014 như hiện nay, nguy cơ vỡ quỹ BHXH còn hiện hữu?

- Kết quả phân tích ban đầu của ILO cho thấy, các tín hiệu khá tích cực, những nguy cơ tiêu cực không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH hiện tại.

nuno 2

Ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO),

Điều này cho thấy những tác động tốt của những điều chỉnh trong Luật BHXH 2014.

Tuy nhiên, ILO vẫn xin đưa ra khuyến nghị rằng: Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống để thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học và về kinh tế. Nếu không duy trì được, tôi cho rằng những điều chỉnh từ Luật BHXH năm 2014 sẽ không đủ. Lúc đó nguy cơ tái xuất hiện những dấu hiệu rủi ro.

Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến không đưa lý do cảnh báo của ILO về nguy cơ vỡ quỹ BHXH thời kỳ xây dựng Luật BHXH 2014 vào nhóm các lý do để tăng tuổi hưu. Ông đánh giá điều này ra sao?

- Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận tốt khi không đánh động xã hội bằng việc gắn với “cảnh báo” của ILO.

Việc cải cách của hệ thống hưu trí cũng như việc tăng tuổi nghỉ hưu là một nhân tố bình thường của một hệ thống an sinh xã hội.

Mối quan tâm đến tính bền vững là một yêu cầu của cải cách. Tuy nhiên chúng ta cần tránh việc gieo nỗi hoang mang về tương lai của hệ thống hưu trí.

Nếu chúng ta đi đúng theo các hướng cần cải cách, sẽ không còn lý do gì phải lo ngại nữa. Hệ thống hưu trí hiện đại đều trải qua những cải cách tương tư và vẫn đang hoạt động tốt để chi trả lương hưu cho người già.

Qua việc nghiên cứu về hưu trí và việc làm trên toàn cầu, ông có thể chia sẻ cách “ứng xử” với thách thức tuổi nghỉ hưu tại các nước đang phát triển và có các điều kiện tương tự như Việt Nam?

- Tuổi hưu gia tăng là vấn đề mà các nước trên thế giới đều phải đang cố giải quyết. Ở nhiều quốc gia, tuổi nghỉ hưu thường là 60. Độ tuổi này đang giống tuổi hưu của lao động nam tại Việt Nam.

Nhiều nước đang già hoá dân số nhanh

“Cả thế giới đang già đi. Cụ thể như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam với tốc độ già hóa rất nhanh. Ngay cả với các quốc gia trẻ hơn như Lào hay Campuchia, tình hình sẽ sớm thay đổi. Điều này được hiểu là các quốc gia sẽ đều phải đối mặt với những thách thức giống nhau về tuổi hưu” - ông Nuno Cunha cho biết.

Nhưng do tuổi thọ đang tăng và sức khỏe của con người đang tốt hơn. Điều này tác động tới xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu.

Thực tế này không chỉ diễn ra ở các nước giàu có như Nhật Bản hay châu Âu mà còn ở các quốc gia lân cận Việt Nam. Nhiều quốc gia trong khu vực hiện cũng đang tranh luận về vấn đề này.

Dự đoán của tôi là nếu tuổi nghỉ hưu chưa tăng ngay lúc này thì sẽ sớm được tăng trong nay mai.

Bên cạnh việc bàn nhiều tới tăng tuổi hưu lên 60 và 62 như đề xuất mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, có lẽ chúng ta cũng cần để ý tới yếu tố tăng năng suất lao động? Liệu giải pháp tăng tuổi hưu có ảnh hưởng tới năng suất lao động không, thưa ông?

- Tôi chưa thấy có bằng chứng cho thấy tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, chúng tôi không nghĩ rằng, người già thì nhất thiết sẽ có năng suất lao động thấp.

Trong quản trị nhân sự, chúng ta có thể điều chuyển họ đến các công việc thích hợp. Tuy nhiên hãy nhìn vào vấn đề theo cách này: Người trẻ sẽ được đào tạo như thế nào nếu không có người già tích lũy kinh nghiệm và chia sẻ?.

Do đó, cách tốt hơn là nên hướng người già đến các công việc có thể chia sẻ, sử dụng được các kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Đặc biệt trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như hiện nay, chúng ta sẽ có thể sẽ không thấy những tác động đến năng suất lao động.

Năng suất lao động là một yếu tố quan trọng cho tương lai của một quốc gia. Chắc chắn sẽ có các chính sách xử lý vấn đề này.

Với cơ cấu dân số già hóa như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu lực lượng lao động trong tương lai và việc tăng tuổi nghỉ hưu chính là một phương cách đối phó với thách thức này.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện