Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng theo kiểu cào bằng

(Dân trí) - Một trong những mục tiêu tăng tuổi hưu là nhằm điều chỉnh Luật Lao động cho phù hợp với quy mô, cơ cấu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên nhóm lao động tham gia sản xuất trực tiếp lại có mong muốn được nghỉ hưu sớm khi ở độ tuổi 40-50 và sức khoẻ giảm sút.

Trong tuần qua, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đã và đang được dư luận quan tâm với nhiều đề xuất mới, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.

Cụ thể, dự thảo đã đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng theo kiểu cào bằng - 1

Nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với lao động làm việc gián tiếp, hành chính văn phòng (Ảnh minh họa).

Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cả hai phương án này nhằm đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam; tạo sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ.

Đồng thời tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Tuy nhiên đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người lao trực tiếp tham gia vào sản xuất trong các nhà máy hoặc xí nghiệp, làm các công việc có áp lực cao.

Một số ghi nhận của PV Dân trí về ý kiến người lao động tại tỉnh Nghệ An.

Nên quan tâm tới đặc thù công việc

Trao đổi về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chị Đặng Thị Thơm (SN 1993, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Vinh, Nghệ An) bày tỏ: “Đề xuất này không phù hợp với đặc thù công việc của tôi. Bởi đây là công việc lao động chân tay, trong điều kiện môi trường làm việc bụi bặm, khí hậu thay đổi rõ rệt theo từng mùa”.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng theo kiểu cào bằng - 2

Đối với nữ công nhân môi trường trên 45 tuổi, sức khỏe khó đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Theo chị Thơm, công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm việc trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa hè, môi trường độc hại, khối lượng và cường độ làm việc căng thẳng.

Do vậy, người lao động khi đến độ tuổi trên 40,  đặc biệt là lao động nữ đã không đủ sức khỏe để đảm bảo yêu cầu công việc, thậm chí nhiều người còn xin về hưu sớm để được nghỉ ngơi.

Đồng quan điểm trên, anh Cao Văn Tài (SN 1987), công nhân cơ khí Công ty CP Xây dựng và Vận tải Tám Tài (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho rằng, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với khối lao động văn phòng, hoàn toàn không phù hợp với công nhân lao động trực tiếp.

“Ở độ tuổi trên 60, sức khỏe chúng tôi đã giảm sút. Sau thời gian dài lao động trong môi trường nhiều tiếng ồn và bụi bặm, chúng tôi đều gặp phải tình trạng mắt mờ, tai ù, chân tay không còn vững nữa. Vậy thì làm sao mà làm việc hiệu quả được. Ở tuổi đó ai cũng mong được nghỉ ngơi rồi”, anh Tài nêu ý kiến.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng theo kiểu cào bằng - 3
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An: Nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại.

Cùng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An cho biết, qua thực hiện việc lấy ý kiến của công nhân lao động trực tiếp sản xuất về dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu, kết quả cho thấy không có ý kiến nào đồng thuận.

Kết quả khảo sát cho thấy, gần 100% công nhân lao động làm việc ở các phân xưởng, xí nghiệp, công ty may, lắp ráp điện tử, kể cả khối viên chức, giáo viên (đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học), y tá, điều dưỡng được hỏi đều cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

Kết quả khảo sát của Viện công nhân, Tổng LĐLĐ VN đối với 5.000 công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp các tỉnh cho thấy, 100% công nhân lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

“Tỉ lệ 99 % người lao động được hỏi không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, kể cả nghỉ hưu ở độ tuổi 57 chứ chưa nói đến nghỉ hưu ở tuổi 60, 62 như 2 phương án của Dự thảo. Khối công chức, một số ít các nhà khoa học, người làm công tác quản lý, đảm bảo về sức khỏe và gia đình thì họ muốn tăng tuổi nghỉ hưu lên một vài năm nữa, tuy nhiên, số này rất ít”, bà Nguyễn Thị Thu Nhi thông tin.

Đề xuất giữ nguyên như hiện tại

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nhi, ở tuổi 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, về mặt sức khỏe hay nhu cầu được nghỉ ngơi của người lao động tham gia sản xuất trực tiếp là cần thiết.

Nếu ở một góc độ nào đó, Nhà nước đảm bảo hài hòa giữa các chính sách và phương án tăng tiền lương thì người lao động cũng cho rằng nên kéo dài khoảng cách nâng tuổi nghỉ hưu lên, như thế thì phương án 1 sẽ có lợi hơn cho người lao động.

Nếu ở góc độ bình đẳng giới, chế độ sử dụng lao động nữ thì thiên chức thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình, họ cho rằng độ tuổi về hưu như hiện tại (55 tuổi) là hợp lý. Xã hội phát triển, kinh tế phát triển nhưng sức khỏe của lao động Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được như những nước khác.

Cá nhân bà Nhi cũng cho rằng giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại là tốt hơn. Nếu bắt buộc phải tăng thì chỉ tăng ở mức độ vừa phải, 57 tuổi đối với nữ, 61 tuổi đối với nam.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng theo kiểu cào bằng - 4

Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An

Cũng chung quan điểm trên, ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu như 2 phương án của dự thảo là chưa phù hợp. Đặc biệt, phương án tăng tuổi nghỉ hưu như Dự thảo sửa đổi Luật Lao động chưa phù hợp với người lao động tham gia trực tiếp sản xuất.

Theo ông Hào, tuổi nghỉ hưu thể hiện tính nhân đạo và ưu việt của một xã hội. Xét cả về tính khoa học, y học, tâm sinh lý thì độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại là phù hợp bởi ở độ tuổi này (nam 60, nữ 55) cơ thể cần phải nghỉ ngơi và hưởng các chế độ ưu đãi sau một thời gian dài làm việc.

Mặt khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam có tăng nhưng chưa cao so với các nước. Tuổi cao không cấm làm việc nhưng cần phải được nghỉ ngơi, đóng góp cho xã hội bằng cách khác phù hợp hơn.

“Đến tuổi thì phải được nghỉ để hưởng phúc lợi xã hội. Tính ra người lao động đóng bảo hiểm xã hội đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu đã là nhiều rồi”, ông Hoàng Quốc Hào nhận định.

Hoàng Lam