1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng tuổi nghỉ hưu: Để tránh “vỡ quỹ” bảo hiểm xã hội?

(Dân trí) - Thông tin đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ lao động lên tương ứng 62 và 60 tuổi đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, liệu quan điểm cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh nguy cơ “vỡ quỹ” bảo hiểm xã hội có căn cứ?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về đề xuất tăng tuổi hưu liên quan tới quản lý quỹ BHXH.

Trao đổi vấn đề này với PV Dân trí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng: Thời gian qua, trong các lý do đề xuất tăng tuổi hưu, một số ý kiến cho rằng có nguyên nhân sâu xa nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội ở giai đoạn sau này.

“Họ lập luận rằng, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, tới năm 2034, quỹ BHXH sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng, tới năm 2034 có nguy cơ vỡ quỹ BHXH” - ông Lê Đình Quảng nói.

Bày tỏ quan điểm về điều này, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Đây là một nhận định hoàn toàn chưa có căn cứ”.

Vị phó Ban Quan hệ lao động cho biết, trong quá trình hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2006, ILO có đưa ra một nhận định trên cơ sở nghiên cứu rằng: Nếu thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng như quy định của Luật BHXH năm 2006 thì có khả năng mất cân đối quỹ trong tương lai.

Không đưa lý do chống vỡ quỹ BHXH là nguyên nhân tăng tuổi hưu

Theo ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), trong quá trình xây dựng dự thảo mới nhất về sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo đã ghi nhận và không đưa nguy cơ tránh vỡ quỹ BHXH là một lý do đề xuất tăng tuổi hưu.

“Vì vậy, Luật BHXH năm 2014, thay cho Luật BHXH 2006, đã được sửa đổi và bổ sung để giải quyết các bất cập đó. Đơn cử như Luật BHXH 2014 đã có nhiều quy định điều chỉnh mới, như: Mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nâng chế độ ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng các diện bao phủ…” - ông Lê Đình Quảng nói.

Cũng theo đó, Luật BHXH năm 2014 đã tính toán cụ thể về tỉ lệ giảm trừ quyền lợi khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo Luật Lao động, tăng thời gian đóng góp để được hưởng mức lương hưu tối đa 75 % cho lao động nam và nữ...

“Tất cả những điều trên nhằm khắc phục dự báo mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất trong dài hạn” - ông Lê Đình Quảng nói.

Phân tích về hệ luỵ của việc sử dụng những thông tin cũ, ông Lê Đình Quảng cho biết: Tới thời điểm này, một số tài liệu nghiên cứu vẫn lấy nhận định cũ về nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH vào năm 2034, tác động rất lớn đối với tâm lý của một số người lao động.

Theo đó, vì những tuyên bố quỹ BHXH sẽ mất cân đối trong dài hạn đã khiến nhiều người lao động lo ngại mất quyền lợi trong tương lai. Điều này cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ lao động chủ động xin nhận BHXH một lần gia tăng.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, một số người lao động khi chọn chế độ BHXH một lần. Mỗi năm hiện có khoảng 700.000 người lao động xin nhận BHXH một lần. Con số này tương đương với số lượng lao động hàng năm tham gia mới vào chính sách BHXH. "Đây là điều không tốt cho chính sách an sinh xã hội".

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí về dư luận cho rằng việc tăng tuổi hưu có nguồn gốc sâu xa nhằm tránh vỡ quỹ BHXH, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5 % lương cơ sở. Mức trần đóng cho phép lên tới 6 %”.

Ông Bùi Sĩ Lợi khẳng định: “Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động”.

Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Quỹ BHXH, BHYT hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần: Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".

Hoàng Mạnh