1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng lương tối thiểu vùng 2018: Cần chú trọng tới các ngành còn gặp “khó”

Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ có tác động mạnh mẽ tới DN, đặc biệt là các DN trong các ngành dệt may, thuỷ sản và da giày. Bởi đây là các DN đang trong giai đoạn khó khăn, có mức tăng trưởng thấp cho nên một mức chi phí tăng lên dù nhỏ cũng làm cho các DN này "khó càng thêm khó"


Hội thảo trao đổi về Phương án của Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018 do VCCI tổ chức ngày 23/5.

Hội thảo trao đổi về Phương án của Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018 do VCCI tổ chức ngày 23/5.

Chia sẻ tại Hội thảo trao đổi về Phương án của Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS. Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiếm có quốc gia nào lại tăng lương tối thiểu vùng hằng năm và tăng ở mức cao như ở Việt Nam.

“Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, bao gồm cả 2017 với mức tăng 7,3 % thì bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với DN trong nước và mức tăng khoảng 15% với DN nước ngoài” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN cho biết.

Cùng với đó, việc tăng lương tối thiểu trong mối tương quan với GDP và CPI là không đúng quy luật của thế giới. Năm 2017, trong khi mức tăng lương tối thiểu vùng lên đến 7,3% thì mục tiêu tăng trưởng GDP lại ở mức 6,7%, CPI khoảng 4%. Đặc biệt, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức lớn bởi tăng trưởng quý I hiện chỉ đạt 5,1%.

Ông Trương Văn Cẩm cũng cho biết, mức tăng lương tối thiểu đã duy trì một thời gian quá dài và khiến DN gặp khó khăn.


TS. Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

TS. Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Cụ thể trong ngành dệt may, thống kê cho thấy các mặt hàng xuất khẩu gần như không tăng, thậm chí giảm, giá thành sản phẩm cũng không tăng trong khi chi phí vẫn tăng khiến DN phải tìm các giải pháp thay thế như giảm tiền lương mềm, thậm chí tính đến sử dụng máy móc thay thế người lao động…

"Như vậy, điều này có thể gây tác động ngược khiến người lao động mất việc. Trong khi Việt Nam lại đang dư thừa lượng lớn lao động nông thôn"- ông Cẩm lưu ý.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, tăng lương tối thiểu chỉ điều chỉnh áp dụng ở một phần với khoảng 9,4 triệu lao động có hợp đồng, do đó bộ phận lao động nói trên không thể đại diện cho toàn bộ lực lượng lao động. Hơn nữa, điều này cũng không đảm bảo chức năng của lương tối thiểu là cân bằng thị trường lao động và ảnh hưởng tới mục tiêu chuyển dịch lao động nông thôn sang công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, việc căn cứ tính mức tăng lương tối thiểu hiện đang dựa vào mức tăng trưởng chung của các ngành, điều này gây khó cho các doanh nghiệp trong các ngành có mức tăng trưởng thấp.

Vì vậy, ông Cẩm kiến nghị: "Cần chú trọng hơn nữa tới các ngành tăng trưởng thấp, ví dụ như các ngành dệt may, thuỷ sản… những ngành còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển".

"Hiệp hội dệt may chúng tôi kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018, hoặc ít nhất là dừng lại 1 năm, có thể là 2 năm tăng một lần, để DN có thời gian và chi phí chuẩn bị cho việc tăng lương. Để DN có sự ổn định nhất định để quy hoạch phát triển. Nếu buộc phải tăng thì tăng tối đa bằng mức của CPI (4%)" - ông Cẩm kiến nghị.

Có cùng quan điểm như trên, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày - Túi xách Việt Nam cũng cho biết, riêng với ngành da giày tốc độ tăng trưởng giảm hơn so với các năm, cụ thể mức tăng trưởng năm 2016 chỉ đạt 8%, những năm trước đây là 15-20%. Cùng với đó, tình hình kinh tế EU suy giảm, khiến lượng đơn hàng của các DN trong ngành da giày sang thị trường này giảm 60%, DN VN trong ngành tăng trưởng -2%. Do đó có thể thấy DN VN ngành da giày đang gặp nhiều khó khăn.

“Trong khi đó, việc tăng lương tối thiểu 7,3% đã tác động tới DN ngành da giày, trong khi đơn hàng giảm, giá thành giảm thì chi phí lao động lại đang tăng lên. Mức tổn hại với DNNVV là lớn nhất” bà Thanh Xuân cho biết.

Hiệp hội đã làm khảo sát với các DN trong hiệp hội và kiến nghị khi tiến hành lấy ý kiến về mức tăng lương tối thiểu cần chú trọng tới các DN nhỏ, DN có khả năng chi trả thấp.

Hiện, các DN FDI đã có những biện pháp đối phó với dn chấm dứt hơp đồng lao động, giảm đến 30% lao động trên một dây chuyền sản xuất. Cùng với đó, việc mức lương giờ làm của các nước trong khu vực đang thấp hơn VN có thể khiến những DN này có xu hướng chuyển dịch môi trường đầu tư.

Vì vậy, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2018.


Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu 2018 không đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng như không giúp thu nhập của người lao động tăng lên. Do đó, cần chú trọng vấn đề kinh tế, các DN phát triển mới giải quyết được bài toán lao động và phát triển kinh tế cả nước.

"Chúng ta cạnh tranh với thế giới, chứ không đơn thuần là trong nước. Các DN trong các ngành đều có hoạt động xuất- nhập khẩu nhưng hiện đang có nhiều vấn đề khiến sức cạnh tranh của DN Việt chưa cao, nhiều yếu tố đang "kéo chân" doanh nghiệp trong đó có vấn đề chi phí...." ông Nam nhấn mạnh.

Theo Thuy Hằng - Tiến Thành/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp