Tăng lương tối thiểu: Cần căn cứ vào nhu cầu NLĐ và "sức" doanh nghiệp
(Dân trí) - Bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, đại diện ILO tại VN cho rằng: Công đoàn và giới chủ đã có sự ghi nhận quan điểm và lợi ích của nhau hơn trước đây. Bên cạnh việc tăng cường thương lượng, hai bên cần tính tới các yếu tố kinh tế xã hội.
Trả lời câu hỏi từ báo chí về nhận định của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) trước các mức đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2016 giữa Tổng LĐLĐ VN và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông René Robert, Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại VN cho rằng:
“Tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động thường có những đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu rất khác nhau do mỗi bên đều đang đại diện lợi ích cho các thành viên của mình. Sự khác biệt này là phổ biến tại các quốc gia khác trên thế giới”.
Theo quan sát của ILO, năm nay mức độ chênh lệch trong đề xuất tăng tiền lương tối thiểu giữa Tổng LĐLĐ VN và VCCI đã giảm so với những năm trước. Điều này cho thấy rằng hai bên đã ghi nhận quan điểm và lợi ích của phía bên kia.
Ông René Robert dẫn chứng, Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào năm 2013 khi Hội đồng mới bắt đầu thành lập, Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng lương tối thiểu bình quân 29,5% cho 4 vùng trong khi VCCI đề xuất mức tăng tối đa là 10%.
Tuy nhiên vào năm 2014, mức tăng mà Tổng LĐLĐ VN đề xuất đã giảm xuống bình quân là 22,9% cho 4 vùng và VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu từ 10-12%. Khoảng cách trung bình là 10 %.
Sau cuộc họp chiều 5/8 tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH (Hà Nội), mức chênh về xuất lương tối thiểu vùng của 2 bên chỉ còn giao động từ 2-5 %.
Nhận định về mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, đại diện ILO tại VN cho rằng: “ILO không có vai trò khuyến nghị mức tăng tiền lương tối thiểu cụ thể. Tuy nhiên, ILO hỗ trợ Hội đồng tiền lương Quốc gia xây dựng khuyến nghị trình Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng".
Đồng thời, ILO cho rằng việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu nên được thực hiện thường xuyên và căn cứ trên cả các yếu tố xã hội và kinh tế. Ví dụ nhu cầu của người lao động và gia đình họ, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức năng suất lao động và mong muốn duy trì việc làm.
Làm thế nào để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa hai yếu tố xã hội và kinh tế là một thách thức. Thương lượng năm nay của Hội đồng đã có sự khởi đầu thuận lợi khi cả tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động đều thấy cần phải tăng lương tối thiểu.
Ông René Robert cũng ghi nhận, Hội đồng đang xây dựng một lộ trình để tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Điều này sẽ làm tăng tiền lương tối thiểu trong ngắn hạn.
ILO VN khuyến nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia nên xây dựng sự đồng thuận giữa tổ chức công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động, tiến hành thêm các phiên họp thương lượng để các bên có đủ thời gian dung hòa lợi ích khác biệt trên cơ sở số liệu khoa học và lập luận thuyết phục.
Hoàng Mạnh