Bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016: Khoảng cách 2 bên còn xa nhau

(Dân trí) - Sáng 5/8, tại Hà Nội, cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa đạt được kết quả vì khoảng cách đề xuất giữa các bên cách biệt. Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng từ 15-16%, trong khi đó VCCI đề xuất 6 - 7 %.

Hội đồng tiền lương Quốc gia họp bàn đề xuất tăng lương tối vùng năm 2016.
Hội đồng tiền lương Quốc gia họp bàn đề xuất tăng lương tối vùng năm 2016.

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm đại diện 3 bên là Tổng LĐLĐ VN - đại diện cho người lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới sử dụng lao động, Bộ LĐ-TB&XH với tư cách đại diện Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân chủ trì với vai trò Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Trao đổi với báo chí trong giải lao, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, mức lương tối thiểu của người lao động mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. Mức đề xuất của đại diện người lao động từ 15-16 % lương tối thiểu vùng.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm nay ở mức 550.000 đồng (vùng 1) so với năm 2015 và mức 310.000 đồng (vùng 4).

Năm 2015, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 lên khoảng trên 14 %. Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.

“Nếu tăng với mức trên, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động. Đến năm 2017, lương tối thiểu vùng tăng thêm 11% còn lại là đáp ứng được, không thể kéo dài hơn nữa” - ông Mai Đức Chính nói.

Điều này khẳng định quan điểm của Tổng LĐLĐ VN nhằm đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2017. Mặc khác điều này cũng phù hợp với quy định của Luật BHXH năm 2014 (Điều 89).

Theo đó, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Trao đổi trước đó với PV Dân trí, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - đề xuất tăng từ 6-7% lương tối thiểu vùng.

“Qua khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Hơn 70% DN kinh doanh không có lãi. Vậy, vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Họ đồng ý về chủ trương tăng lương nhưng cần phải có lộ trình” -  ông Hoàng Quang Phòng nói.

Giải thích thêm quan điểm của mình, đại diện VCCI cho biết mức từ 6-7 % được VCCI xây dựng trên cơ sở hội đủ thông tin trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về các nguồn chi như BHXH, chi phí sản xuất, thực tế là DN phải thay mặt người lao động chi trả các khoản BHXH, BHYT, BHTN” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Theo VCCI, thống kê mới nhất cho thấy cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi do đó ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, đai diện Bộ LĐ-TB&XH đang cố gắng dung hòa phương án giữa 2 bên, qua đó tìm 1 giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cả 2 bên.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đang gợi ý phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 ở mức 15% so với năm 2015.

Dự kiến, cuộc họp sẽ kéo dài tới chiều 5/8.

Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ quyết định phương án dung hòa các bên.

Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Bộ LĐ-TB&XH, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ dung hòa 2 phương án trên cơ sở thương lượng giữa VCCI - đại diện giới chủ và Tổng LĐLĐ VN - đại diện người lao động.

“Việc điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên sẽ giúp cuộc sống người lao động tốt hơn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng sẽ phải tính toán thật kỹ. Vì trong năm 2016, các chi phí của doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm do mức đóng bảo hiểm xã hội tăng lên (dần tiến tới đóng theo tổng thu nhập), chi phí hỗ trợ cho các chế độ đặc thù cho lao động nữ, an toàn vệ sinh lao động…” - Thứ trưởng Pham Minh Huân nói.

Hoàng Mạnh