1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng lương tối thiểu: Bao nhiêu là vừa?

Hội đồng tiền lương Quốc gia đang lấy ý kiến các DN về lộ trình tăng lương tối thiểu năm 2015. Trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, giải pháp nào, tỉ lệ tăng bao nhiêu để DN thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ đề ra mà không gây khó cho DN, không làm giảm thu nhập của người lao động vẫn đang là vấn đề bàn luận.


Dựa trên chỉ số CPI

Thời điểm này, các DN trong cả nước rất cần đến sự quan tâm của Chính phủ bằng việc đưa ra các chính sách giảm thiểu khó khăn về thị trường, sản xuất kinh doanh hơn, nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

 Do vậy với vai trò là tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động ở cấp quốc gia và đồng thời là phó Chủ tịch HĐTLQG, VCCI đã tổ chức các cuộc họp với các thành viên đại diện cho người sử dụng lao động cũng như các hiệp hội DN trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài để trao đổi về vấn đề điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2015, cùng nhất trí việc tăng lương tối thiểu vùng là điều cần thiết để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình, cũng như phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, nếu không sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực. Ví dụ giá cả lạm phát, đầu tư nước ngoài sụt giảm, chi phí sản xuất tăng, giảm khả năng cạnh tranh của DN…

Tôi cho rằng cần phải thực hiện phương pháp tính toán tăng lương theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới dựa trên cơ sở CPI là chính xác nhất. Chẳng hạn ở Na Uy, khi chính phủ công bố lạm phát khoảng 5% thì giới sử dụng lao động phải điều chỉnh tăng lương cho người sử dụng lao động khoảng 4%, còn 1% người lao động phải chịu.


Ông










Ông
Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia
Kinh nghiệm của ILO cũng cho thấy, thông thường tiền lương tối thiểu bằng khoảng 40 - 60% tiền lương bình quân trên thị trường là phù hợp. Nếu để mức lương tối thiểu quá cao thì mức lương đó không thực sự là tiền lương tối thiểu mà thay vào đó là tiền lương thực trả cho người lao động như trường hợp của Campuchia hay Philippine.

Điều đó làm hạn chế vai trò của các bên khi tiến hành thương lượng tập thể để thương thảo những nội dung có lợi hơn cho người lao động như theo quy định tại mục 2 điều 73 và điều 90 của bộ luật Lao động sửa đổi 2012.

Với VN, theo tôi phương án tính mới hiện nay, phù hợp với điều kiện VN, nhất là CPI cộng thêm một vài %, đồng thời dựa trên cơ sở tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra độc lập về tình hình mức sống, sinh hoạt… Do đó VCCI đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 chỉ dao động ở mức 10% - 12%, cụ thể là chỉ nên cao hơn vài % so với chỉ số giá tiêu dùng năm 2014.

Mức tăng không quá 15%

Từ khảo sát của HAWA cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động khoảng 5,2 triệu đồng/tháng. Doanh số của 158 DN chế biến gỗ khoảng 1.147 tỉ USD với tổng số lao động là 76.130 người. Năng suất bình quân (hay giá trị sản phẩm làm ra) của một lao động là 15.068 USD/năm. Tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của VN từ 2008 đến nay chỉ còn 3,3% so với 5.2% trước đây.


Ông










Ông
Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA)


Giả sử lương cơ bản tăng 13% thì tác động đến chi phí lao động của DN sẽ tăng 2,54% trên doanh số. Trường hợp lương cơ bản tăng 15% thì tác động đến chi phí lao động của DN sẽ tăng 2,93% trên doanh số.

Bên cạnh đó, nó cũng tác động đến việc làm, bởi khi tiền lương tăng vượt quá sự chịu đựng, mức cạnh tranh giảm, DN hoặc phải đầu tư thêm máy móc thay vì tuyển thêm lao động, hoặc thu hẹp sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ người lao động bị mất việc hoặc nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm.

Ngoài ra nó còn tác động tâm lý khi điều chỉnh lương tối thiểu, công nhân tưởng rằng đây là quy định của nhà nước, ai cũng được tăng, từ đó nảy sinh tâm lý trông chờ, đòi hỏi… DN phải giải quyết tình trạng bất ổn tâm lý dẫn đến giảm năng suất, đó là chưa kể tác động tăng giá nguyên vật liệu, tăng giá chi phí vận chuyển và sự lan tỏa của yếu tố này đến chi phí.

Trong khi giá cả đầu ra năm 2014 chỉ tăng khoảng 3 – 5%, và nhà nước kiểm soát tỷ giá hối đoái, DNXK sẽ không có nguồn trượt giá để bù đắp. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị mức tăng lương 2015 trên cơ sở tỷ lệ lạm phát 7,5% (dự kiến 2014) cộng với tăng trưởng GDP 5,5% (dự kiến 2014) khoảng 13%. Trong trường hợp ý kiến khác biệt xa với các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, mức đề nghị thương lượng để tăng tối đa 15%

Ngoài ra, cần sửa đổi thời gian làm thêm 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm để vừa thỏa mãn nhu cầu kiếm thêm tiền hợp pháp của người lao động, vừa tránh cho các DN vi phạm luật lao động. Nhà nước cần kiềm chế tăng giá năng lượng để giảm thiểu tác động đến giá cả đầu vào và giá cả tiêu dùng...

Khảo sát trung lập trước khi quyết định

Việc xây dựng mức lương tối thiểu dựa trên tiêu chuẩn mức sinh hoạt tối thiểu cần phải có các cuộc khảo sát, điều tra cụ thể. Đặc biệt, phải do một bên trung lập tiến hành chứ không để các bên có liên quan thực hiện, như vậy sẽ không khách quan. Kinh nghiệm của Nhật Bản là trong Hội đồng tiền lương ngoài đại diện người sử dụng lao động và người lao động bao giờ cũng có một thành viên khác trung lập, thường là giới luật sư hoặc giảng viên của các trường Đại học.

Ông










Ông
Keisuke Taniguchi - Giám đốc nhân sự Cty TNHH Canon VN

Trong khi đó bên đại diện công đoàn thường có nhiệm vụ ghi chép và làm thư ký trong các cuộc họp, biên bản của tất cả các cuộc họp liên quan tới tiền lương đều công khai.

Tôi có nghe đại diện của Bộ LĐTBXH đưa ra ý kiến, khi tăng lương tối thiểu có tác động tới một số yếu tố kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như CPI, GDP… Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của chúng tôi, lương tối thiểu đang dời quá xa so với các yếu tố CPI hoặc GDP. Nhìn vào các con số DN phá sản thời gian gần đây cũng như các con số dự báo DN phá sản năm 2014 chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại cách tính toán việc tăng lương tối thiểu.

Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các DN Nhật Bản đang tìm các thị trường khác để thay thế thị trường Trung Quốc. Điều đáng nói là nhiều DN Nhật Bản đang muốn chuyển sản xuất sang Myanmar, Campuchia… chứ không phải VN bởi đây là những quốc gia có mức lương tối thiểu thấp hơn của VN. Từ nay tới 2018, Chính phủ VN sẽ phải đưa ra những đối sách phát triển để thu hút nhà đầu tư, trong đó có vấn đề tiền lương.

Ngay ở KCN Thăng Long nơi có nhà máy Canon VN, thời điểm năm 2012 con số lao động của toàn KCN này là 63.500 lao động, con số này của năm 2013 rút xuống còn khoảng 60.000 lao động. Như vậy, hiện các DN trong KCN Thăng Long đang hạn chế việc tuyển dụng. Nguyện vọng của các DN Nhật Bản tại VN là mức lương tối thiểu được xây dựng trên cơ sở các yếu tố khách quan là chỉ số CPI. Chúng tôi kiến nghị, mức tăng lương tối thiểu 2015 tại DN khoảng 5-7% , vì nhìn chung mức tăng GDP qua các năm gần đây khá ổn định trong khoảng 5-6%.

Sẽ ảnh hưởng tới việc làm

Khi lạm phát cao, giá cả tăng cao, lao động gặp nhiều khó khăn, chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh lương tối thiểu để đảm bảo mức sống cho người lao động. Tuy mức lương mà Bộ LĐTB và XH đề xuất so với nhu cầu thực tế có thể nói còn đang khiêm tốn, nhưng phải tính đến khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng cao mà đầu ra lại gặp khó.

Ông










Ông
Phạm Minh Huân -  Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội


Cụ thể, việc tăng lương tối thiểu từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương DN từ 17- 29%. Trong ngành da giày, điều này sẽ khiến chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%. Đặc biệt, sẽ có tới 80% DNVN và 30% DN FDI không đạt được năng suất đề ra, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN và thậm chí có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất.

Mặt khác, về phía chính phủ cũng gặp áp lực, khi một bên là đời sống người lao động, một bên là khó khăn của DN. Hai bên đều có vi trí quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì thế, điều chỉnh lương cũng nên nhìn ở góc độ chia sẻ khó khăn chung của cả hai bên, không nên tạo áp lực dồn lên đầu vào của DN.

Thực tế, đối với DNNVV, các DN sử dụng hàng nghìn lao động thì mọi động thái điều chỉnh lương của Nhà nước đều ảnh hưởng rất lớn đến họ. Và, khi điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng cao quá, ảnh hưởng đến hoạt động của DN, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. DN sẽ phải cân nhắc có tuyển mới lao động hay không, do đó cơ hội tìm việc làm mới sẽ giảm đi.

Chưa kể đến việc khó khăn quá DN phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, và lẽ dĩ nhiên lao động không có việc làm sẽ tăng lên gây thất nghiệp dẫn đến nhiều hậu quả cho xã hội. Do vậy, để thật sự khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới thì điều đầu tiên cần phải tạo cho họ dễ thở trước đã. Đồng thời, cho DN quyền thảo luận, bàn bạc với người lao động tăng lương theo khả năng của DN.

Chỉ có thể tăng lương dựa trên tăng năng suất lao động thì tăng lương mới có bền vững.

 Việc tăng lương tối thiểu từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương DN từ 17-29%.


Theo Tuấn Anh, Mai Thanh/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp