Xin tăng lương vào lúc nào là hợp lý?

(Dân trí) - Ngay cả đối với những nhân viên tự tin nhất, việc thu hết can đảm để bày tỏ nguyện vọng muốn được tăng lương với sếp cũng là một việc khó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vấn đề nằm ở chỗ, không phải họ nghĩ rằng họ không xứng đáng được tăng lương, mà câu trả lời của sếp là vô cùng khó đoán. Theo các chuyên gia, những nhân viên có ý định xin tăng lương đều cảm thấy lo ngại rằng, họ sẽ bị sếp đánh giá là quá tự cao tự đại và sẽ nhận được câu trả lời “không” từ sếp, rồi từ đó sự nghiệp của họ sẽ gặp trở ngại.

Tuy vậy, nếu bạn đã xem xét kỹ lưỡng về vai trò của mình trong công ty, cũng như các yếu tố khác, thì lời đề nghị tăng lương của bạn rất có thể sẽ nhận được sự đồng ý của sếp. Dưới đây là những yếu tố mà bạn nên cân nhắc để xác định xem đã đến lúc đề đạt với sếp về nguyện vọng được được tăng lương hay chưa:

1. Sếp của bạn đang “ở trên 9 tầng mây”

Khi đưa ra đề nghị xin tăng lương, vấn đề tâm trạng của sếp bạn lúc đó như thế nào rất quan trọng. Nếu sếp mới đạt được một số thành công nào đó và có tâm trạng hưng phấn, vui vẻ, lời đề nghị của bạn sẽ được sếp đón nhận cởi mở hơn. Nói cách khác, nếu sếp đang phải giải quyết một loạt vấn đề khó khăn về sự nghiệp và cuộc sống riêng tư, thì đó có thể không phải là lúc bạn nên mang đến cho sếp một mối bận tâm mới bằng lời đề nghị xin tăng lương.

2. Đang diễn ra xu hướng tăng lương trong lĩnh vực của bạn


Các chuyên gia lưu ý, có những lĩnh vực hoạt động mà ở đó các doanh nghiệp để ý nhiều hơn tới các đóng góp của các cá nhân, chẳng hạn như các công ty công nghệ. Trong khi đó, ở những ngành khác, chẳng hạn như khách sạn hoặc bán lẻ, việc xin tăng lương sẽ khó hơn bởi nhân sự không ổn định. Bên cạnh đó, nếu đang diễn ra xu hướng tăng lương trong lĩnh vực của bạn, thì lời đề nghị xin tăng lương của bạn có cơ hội tốt hơn để được sếp chấp nhận.

3. Công ty đang ăn nên làm ra


Những vị sếp tốt thường xem lúc công ty ăn nên làm ra như một cơ hội để chia sẻ thành quả đó với những nhân viên giỏi, có nhiều đóng góp. Nếu bạn biết công ty của mình đang làm ăn có lãi, đừng ngại xin tăng lương với mức phù hợp với chuẩn của ngành. Ngược lại, nếu công ty thua lỗ, bạn có thể sẽ trở thành “vô duyên” nếu xin tăng lương.

4. Phòng ban của bạn đang phát triển nhanh chóng


Có thể không phải tất cả mọi bộ phận của công ty đang đạt lợi nhuận khả quan, nhưng đơn vị của bạn lại làm được điều này, thì đó cũng chính là cơ hội xin tăng lương rất tốt cho bạn. Khi tới gặp sếp, hãy nói về những đóng góp của bạn cho bộ phận đang hoạt động hiệu quả nhất trong công ty, từ đó đưa ra lời đề nghị xin tăng lương.

5. Có những đề nghị công việc khác hấp dẫn hơn đang dành cho bạn

Ấn tượng trước khả năng làm việc của bạn, các công ty khác đang mời chào bạn về làm với mức lương cao hơn. Thị trường việc làm bên ngoài đang đặt ra một mức lương chuẩn mới, phù hợp hơn với năng lực của bạn và buộc công ty của bạn phải “có cách nhìn khác về bạn”. Nhà quản lý lúc này phải đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chuyển đi? Liệu có tìm được người thay thế bạn không? Để đào tạo được một nhân viên như bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian.

6. Bạn đã làm việc được bao lâu và đã đóng góp như thế nào

Một số công ty có thể có lịch cố định cho việc rà soát hiệu quả công việc để xác định xem những nhân viên nào xứng đáng được tăng lương, còn công ty của bạn có thể không. Hãy nghiên cứu chính sách của công ty và nói chuyện với những nhân viên từng nắm giữ vị trí của bạn để hỏi xem liệu thời gian làm việc có phải là một yếu tố quyết định để bạn được tăng lương hay không. Vấn đề còn lại nằm ở việc bạn được công ty nhìn nhận ra sao và bạn đã đóng góp thêm giá trị gì trong công việc mà bạn đảm nhiệm.

7. Bạn có kỹ năng đặc biệt để giải quyết một vấn đề đặc biệt


Hãy tranh thủ sự “đặc biệt” này của mình trong vấn đề tăng lương. Công ty sẽ không muốn để mất những nhân viên có kỹ năng đặc biệt như bạn.

8. Nhiều người xung quanh bạn được tăng lương


Những cuộc trò chuyện gần đây với bạn bè và đồng nghiệp giúp bạn phát hiện ra rằng, nhiều người trong số họ đã được tăng lương còn bạn thì không. Nếu bạn có những kỹ năng và đóng góp giống như họ có, thì đây chính là lúc bạn cần “nhắc” sếp về giá trị thực sự của mình.

Nếu bạn nhận được câu trả lời “không” từ sếp?

Sếp có thể nói với bạn là sếp không ấn tượng với chất lượng công việc của bạn như bạn tưởng và từ chối đề nghị xin tăng lương bạn đưa ra. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện này không nên bị coi là thất bại. Theo các chuyên gia, trong tình huống này, bạn nên hỏi sếp xem mình có thể làm gì để được tăng lương. Hãy giữ một thái độ chuyên nghiệp, lịch sự trong suốt cuộc nói chuyện, bởi nếu không, bạn sẽ bị sếp đánh giá là một nhân viên cao ngạo, tự phụ.

Phương Anh
Theo US News