DMagazine

"Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận!"

(Dân trí) - "Không chỉ đến hôm nay, ngay từ khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 1994, nội dung làm thêm giờ đã có nhiều ý kiến khác nhau. Tới các lần sửa đổi sau, đề tài này vẫn có nhiều tranh luận căng thẳng…".

"Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận"

"Không chỉ đến giờ, ngay từ khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 1994, nội dung làm thêm giờ đã có nhiều ý kiến khác nhau. Tới các lần sửa đổi sau, đề tài này vẫn nhận nhiều tranh luận căng thẳng…".

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trao đổi với PV Dân trí về kết quả của phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23/3, liên quan tới việc điều chỉnh "trần" giờ làm thêm trong tháng và năm.

Theo đó, về số giờ làm thêm trong năm, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Về số giờ làm thêm theo tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Dự thảo Nghị quyết cũng nên ra thời hạn thực hiện cũng như một số trường hợp không được áp dụng quy định làm thêm giờ.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 1

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. 

Thưa ông, với tư cách là người từng xây dựng chính sách về thời giờ làm việc trong nhiều lần sửa đổi Bộ luật Lao động, ông có đánh giá gì về kết quả điều chỉnh "trần" giờ làm thêm trong tháng và năm, được thông qua hôm 23/3?

 - Trước khi có kết quả được công bố hôm 23/3, nhiều Bộ, ngành đã đề xuất lên Ủy Ban thường vụ Quốc hội các mức điều chỉnh khác nhau trong việc tăng số giờ làm thêm trong tháng và năm. Cụ thể các đề xuất, tôi xin không đề cập lại.

Nhưng điều có được sau cùng và chung nhất từ các đề xuất đó là: Tất cả đều nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động do dịch Covid-19, đồng thời người lao động vẫn giữ được sức khỏe để tăng năng suất làm việc.

Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng giờ làm thêm vẫn luôn yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện: Có sự đồng thuận của người lao động và tổ chức đại diện của họ tại doanh nghiệp. Đồng thời, việc thực hiện việc trả lương làm thêm giờ phải tuân theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 2

Xin được nói thêm, vấn đề làm thêm giờ, tuy không phải là mới nhưng luôn có tính thời sự và được nhiều người lao động, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quan tâm. Trong hàng chục năm qua, những ý kiến khác nhau về vấn đề này cũng chưa khi nào giảm "nhiệt".

Với kết quả đã được thông qua hôm 23/3, phần nào đáp ứng được mong mỏi của nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hoàn thành các đơn hàng sau thời gian dài bị ngưng trệ do thực hiện các biện pháp chống dịch.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 3
Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 4

Thưa ông, trong quá trình tranh luận trước đây về tăng giờ làm thêm, nhiều ý kiến vẫn e ngại vấn đề sức khỏe của người lao động, cho rằng nếu tăng nhiều quá sẽ khó đảm bảo việc tái tạo sức khỏe người lao động. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Trên khía cạnh tâm lý và sức khỏe, sự hồi phục của người lao động khi phải tăng cường độ lao động thông qua kéo dài thời gian lao động và nếu thực hiện trong khoảng thời gian dài thì cũng sẽ có ít nhiều ảnh hưởng nhất định. 

Đặc biệt quỹ thời gian dành cho sinh hoạt trong gia đình, nghỉ ngơi, giải trí nâng cao chất lượng sống về mặt tinh thần nhằm tái tạo lại sức lao động nếu không bố trí khoa học thì cũng bị ảnh hưởng.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 5

Vì vậy, việc tìm ra được giới hạn của việc làm thêm giờ phù hợp với thể chất của người lao động Việt Nam để vừa đáp ứng yêu cầu làm thêm của doanh nghiệp luôn là vấn đề đòi hỏi của các nhà nghiên cứu y học trong lao động cũng như tổ chức đại diện của người lao động và của các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật.

Chính vì thực tế đó, các bên nếu đứng trên nhiều giác độ thì ý kiến khác nhau về vấn đề này là chuyện dễ hiểu. Điều quan trọng là dựa trên các sự phân tích đánh giá để lựa chọn ra phương án làm thêm giờ hợp lý nhất mà ở đó giảm thiểu mức thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và tâm lý làm việc của người lao động.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 6
Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 7

Vậy với quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế VN còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thâm dụng lao động. Việc tăng giờ làm thêm là một giải pháp nhằm khắc phục khó khăn do Covid-19. Theo ông, ý tưởng này có cần thêm những điều chỉnh hay bổ sung gì để tạo sự hài hòa trong quan hệ lao động?

- Trước hết Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, dân số đông, năng suất lao động, thu nhập bình quân còn thấp hay nói nôm na là chúng ta vẫn còn nghèo. Tuy so với giai đoạn trước đây chúng ta có khá hơn nhưng so với các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực thì còn khoảng cách rất lớn. 

Vì vậy muốn thoát nghèo, muốn làm giàu thì chúng ta phải làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn, năng suất lao động cao hơn. Cần làm việc, chi tiêu hiệu quả hơn thì chúng ta mới giảm dần khoảng cách so với các nước phát triển. Tác động của dịch Covid-19 là một việc nhưng quan trọng hơn chúng ta phải thấy thực lực của nền kinh tế còn nghèo còn kém.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 8

Để có chiến lược phát triển trong các năm tới mà cốt lõi vẫn phải tổ chức lao động, sản xuất, làm việc nhiều hơn, chăm chỉ, cần cù, hiệu quả hơn phải tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng để đưa quốc gia phát triển nhanh hơn, cao hơn.

Trong quan hệ lao động, yếu tố đồng thuận hài hòa là quan trọng nhất. Doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển được nếu không có vai trò của người lao động. Ngược lại nếu doanh nghiệp không phát triển, tồn tại thì cũng không còn người lao động.

Vì vậy sự đồng thuận trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức lao động và chia sẻ lợi ích là một quá trình liên tục giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 9

Nếu bảo đảm hài hòa trong tổ chức sản xuất và phân chia lợi ích thì doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển. Người lao động làm việc và được trả lương, các khoản phúc lợi khác phù hợp với mức độ đóng góp. Qua đó, họ sẽ gắn bó làm việc hiệu­ quả, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ông, quy định giờ làm thêm hiện nay của Việt Nam có cao hay thấp so với các nước trong khu vực? Quá trình áp dụng quy định giờ làm thêm của các nước ra sao, thưa ông?

- Việc quy định làm thêm giờ hiện nay trên thế giới rất khác nhau nhưng có thể nhóm vào mấy nhóm sau.

Thứ nhất đối với các nước phát triển do năng suất lao động cao, giờ làm việc tiêu chuẩn nhìn chung được rút ngắn hơn so với Công ước số 01 năm 1919 về giờ làm việc trong công nghiệp của Tổ chức lao động quốc tế (8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần).

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 10

Hiện phần lớn nước áp dụng làm việc 40 giờ/tuần theo Công ước số 47 năm 1935 của Tổ chức lao động quốc tế. Việc quy định giờ làm thêm cũng khác nhau nhưng khoảng 1-3 giờ/ngày và khoảng 200 giờ/năm.

Thứ hai, đối với các nước đang phát triển nhìn chung giờ làm việc tiêu chuẩn đang áp dụng 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần theo Công ước 01 năm 1919 của Tổ chức lao động quốc tế. 

Quy định giờ làm thêm ở các nước khác nhau

Theo ông Phạm Minh Huân, Trung Quốc quy định là 36 giờ/tháng, Lào 45 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Malaysia 104 giờ/tháng; Thái lan 36 giờ/tuần; Campuchia, Philippines không khống chế...

Đối với Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tối đa không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ hoặc 300 giờ/năm tùy theo ngành nghề. Với mức đề nghị này thì số giờ làm thêm của nước ta ở mức trung bình.

Thứ ba, đối với các nước chưa phát triển thường chưa quy định hoặc không khống chế vấn đề giờ làm thêm.

Là người từng tham gia xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động các năm 1994 cũng như các lần sửa đổi sau này, ông có nhìn nhận gì về quá trình xây dựng chế định giờ làm thêm trong các thời kỳ này?

- Tăng giờ làm thêm là vấn đề chưa bao giờ dễ dàng có được sự đồng thuận của các bên. Ngay từ khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 1994, vấn đề làm thêm giờ đã "hút" nhiều ý kiến khác nhau. Đến lần sửa đổi năm 2002, Quốc hội cũng phải bỏ phiếu 2 lần để thông qua vấn đề này với tỷ lệ đồng thuận không cao. 

Rồi đến năm 2012 vấn đề này cũng được nêu lên nhưng do phải giải quyết nhiều vấn đề nên vấn đề làm thêm giờ tạm thời chưa có thay đổi. 

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 11

Tới lần ban hành Bộ Luật năm 2019 vấn đề này cũng có tranh luận và ý kiến khác nhau. Do vậy cũng có thay đổi chút ít và giờ do ảnh hưởng của dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất chúng ta phải bàn sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh và điều kiện kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta đều biết rằng, xu hướng tiến bộ của nhân loại khi của cải vật chất làm ra nhiều hơn, năng suất lao động cao hơn thì đi kèm là quy định giờ làm việc hay làm thêm giờ cho hợp lý. Nhằm qua đó bảo vệ sức khỏe của người lao động cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. 

Tuy nhiên do trình độ phát triển của chúng ta còn thấp, năng suất lao động chưa cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại làm gia công, chế biến theo các đơn hàng xuất khẩu nên bị sức ép về thời gian giao hàng theo hợp đồng nên buộc phải tổ chức tăng ca, kíp, làm thêm giờ.

Tăng giờ làm thêm, chưa bao giờ dễ tìm đồng thuận! - 12

Từ thực tế yêu cầu nhiều doanh nghiệp, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề điều chỉnh tăng giờ làm thêm trong năm và tháng. Tôi cho rằng đây là phù hợp. Còn về lâu dài chúng ta cần đánh giá kỹ hơn tác động của các quy định làm thêm giờ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của người lao động.

Đồng thời nghiên cứu tìm ra giới hạn hợp lý làm căn cứ để quy định giờ làm thêm cho phù hợp với thể chất của người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động góp phần đưa nước ta trở thành nước phát triển.

Chắc chắn khi đó, vấn đề giờ làm việc, làm thêm của chúng ta cũng như các nước phát triển khác sẽ tạo điều kiện tối đa để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xin cảm ơn ông

Nội dung: Hoàng Mạnh

Ảnh: Nhóm phóng viên