Tăng cường hợp tác lao động Việt Nam – Lào
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), để đẩy mạnh việc thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Lào, Bộ LĐTBXH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức Hội nghị thông tin về Hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào vào ngày 18/8 tại Nghệ An.
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào thông tin những nội dung triển khai Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Lào
Bộ LĐTBXH đã thông tin những nội dung cơ bản của Hiệp định đến các địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Lào, các doanh nghiệp có hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang Lào làm việc. Các cơ quan chức năng của hai nước cũng đã cùng trao đổi thông tin và thảo luận về cơ chế thông tin và truyền thông chung, kết nối doanh nghiệp hai nước, cơ chế linh hoạt vận dụng chính sách nhằm hỗ trợ và quản lý tốt lao động của hai nước.
Theo thống kê, có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào, chủ yếu đi theo các dự án hợp tác đầu tư, dự án nhận thầu công trình, dự án hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới. Phần lớn số lao động này là lao động có kỹ thuật. Với việc hợp tác đầu tư sang Lào đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam tại Lào trong thời gian tới rất lớn, dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Lào sẽ vượt mức 20.000 người.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, các chính sách đối với lao động Việt Nam tại Lào được đảm bảo, tạo động lực để đội ngũ lao động Việt Nam làm việc tại Lào. Ngoài chế độ tiền lương, lao động Việt Nam làm việc tại Lào còn được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ xa tổ quốc.
Do đó, mức thu nhập bình quân đối với lao động phổ thông Việt Nam làm việc tại Lào đạt khoảng 250 USD/tháng; lao động kỹ thuật khoảng 500 USD/tháng.
Ngoài ra, người lao động cũng được thực hiện đầy đủ các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN, chế độ nghỉ phép, lễ tết theo quy định của Việt Nam và Lào.
Bên cạnh số lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo các kênh chính thống nêu trên, còn một số lượng đáng kể những lao động Việt Nam đi làm việc tự do tại Lào theo con đường tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là lao động của các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, mỗi năm Nghệ An có từ 5.000 – 6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác, nông nghiệp, buôn bán nhỏ và các lĩnh vực khác.
Thu nhập bình quân của những lao động này đạt khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lao động có việc làm ổn định, mang tính lâu dài chỉ chiếm khoảng 30%; số lao động còn lại làm việc chủ yếu mang tính mùa vụ.
Để quản lý lao động Việt Nam sang Lào làm việc, Bộ Lao động hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào vào ngày 29/6/1995 và Nghị định thư sửa đổi bổ sung ngày 08/4/1999. Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vào tháng 7/2013, Bộ Lao động hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào với các nội dung điều chỉnh về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp… đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào tăng cường công tác quản lý lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào và đã thành lập tổ công tác Việt Nam – Lào để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Báo Tin Tức