Tại sao công chức làm 40 giờ/tuần và người lao động làm 48 giờ/tuần?
(Dân trí) - Đây là một câu hỏi được bạn đọc gửi tới Chương trình Giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Dân trí và Bộ LĐ-TB&XH vừa được tổ chức tuần qua. Ông Doãn Mậu Diệp - Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp điều này.
Theo đó, một bạn đọc đã bày tỏ thắc mắc tới chương trình như sau: Tại sao giờ làm việc chính thức trong tuần của công chức, viên chức là 40 giờ/tuần. Nhưng giờ làm việc chính thức trong tuần của người lao động trong Dự thảo vẫn là 48 giờ? Liệu điều này có là sự bất hợp lý?
Trả lời câu hỏi này, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 48 giờ một tuần và không quá 8 giờ/ngày.
Đồng thời, Luật cũng quy định “khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ”.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện làm việc 40 hoặc 44 giờ/tuần cho người lao động.
Ở khu vực cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đang quy định thời giờ làm việc của người làm việc cho mình là 40 giờ/tuần.
“Cần lưu ý, Chính phủ quy định tuần làm việc 40 giờ cho nhân viên của mình là với tư cách một người sử dụng lao động trong xã hội, chứ không phải với tư cách là tổ chức quyền lực công, ban hành văn bản áp dụng cho toàn xã hội” - ông Doãn Mậu Diệp nói.
Điều này thể hiện sự “gương mẫu” trong việc rút ngắn thời giờ làm việc theo tinh thần khuyến khích của Bộ luật Lao động để những người sử dụng lao động khác trong xã hội là các doanh nghiệp noi theo.
“Câu chuyện bình đẳng hay không còn do việc bạn làm việc cho người sử dụng lao động nào và họ áp dụng tuần làm việc bao nhiêu giờ? Chứ Luật không quy định cụ thể số giờ làm việc trong tuần của khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Hoàng Mạnh tổng hợp