1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Tái mù” tiếng Anh - lãng phí trầm trọng

Một thực trạng cố hữu: Vốn tiếng Anh của học sinh, sinh viên sau khi ra trường (trừ những sinh viên học chuyên ngành tiếng Anh) đều không đủ để giao tiếp, vận dụng vào công việc. Tình trạng “tái mù” ngoại ngữ đến ngay sau khi ra trường, nguyên nhân vì đâu? Vì sao hơn 10 năm học ngoại ngữ ở trường, học sinh, sinh viên Việt Nam không thể giao tiếp thông thường?

Học sinh bắt đầu được học tiếng Anh từ bậc tiểu học, nhưng hơn 10 năm sau, đa số vẫn không thể giao tiếp thông thường. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Học sinh bắt đầu được học tiếng Anh từ bậc tiểu học, nhưng hơn 10 năm sau, đa số vẫn không thể giao tiếp thông thường. Ảnh: HẢI NGUYỄN

KỲ 1: Nhu cầu một đằng, đào tạo một nẻo

Nhu cầu quá chênh với đào tạo

Nhu cầu về việc sử dụng tiếng Anh là điều chẳng phải bàn cãi trong cuộc sống hiện nay. Và cũng chưa bao giờ người dân Việt Nam có nhu cầu học tiếng Anh cao như lúc này. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao những trung tâm Anh ngữ vẫn mọc lên như nấm và không thiếu người bỏ hàng đống tiền để đi học lại sau 15 năm “kinh nghiệm” tại các bậc học?

Nguyễn Thị Hồi (23 tuổi) - nhân viên một Cty kinh doanh cửa hiệu tại Hà Nội - vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi không thể có cơ hội được một “chân” trong Cty liên doanh nước ngoài, thu nhập cao chỉ vì… tiếng Anh quá kém! 15 năm học ngoại ngữ với Hồi là “ám ảnh” của kiến thức nhàm chán, bài tập ngữ pháp nặng nề.

Thêm vào đó, ít thời gian, lớp học đông khiến GV chỉ kịp truyền tải nội dung trong sách cũng đã hết giờ, chưa nói đến luyện nói, luyện nghe. “Thi thoảng cô giáo có bật băng nghe qua đài cassette nhưng đài thì cũ, tiếng thì rè, thành ra cũng chẳng ai nghe được gì, mà có nghe xong lại quên ngay” - Hồi nhớ lại.

Khởi đầu suôn sẻ hơn, Ngô Thị Chuyên (24 tuổi, SV ĐH KHXHNV HN) tiếp cận môn ngoại ngữ này với đầy đam mê. Một lần nghỉ hè, Chuyên có dịp ở gần một khu du lịch có nhiều người nước ngoài nên việc học Anh văn trở nên hăng say hơn với việc luyện kỹ năng nghe, nói.

Nhưng khi quay lại trường, phương pháp dạy yêu cầu ngữ pháp ngày càng nặng của các thầy cô khiến việc học tiếng Anh của em bị đảo lộn, niềm đam mê dần dập tắt.

Đó chỉ là ít trong số hàng triệu ví dụ về quá trình học tiếng Anh trên ghế nhà trường, qua đó để thấy, vốn tiếng Anh của HS-SV sau khi ra trường (trừ những SV học chuyên ngành tiếng Anh) phần lớn đều thất bại trong giao tiếp, đọc không thông, viết chẳng thạo.

Tệ hơn, nhiều bạn trẻ bị dập tắt niềm đam mê học tập môn ngoại ngữ này bởi cách dạy học quá máy móc, nặng ngữ pháp, thiếu thực hành. Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình theo học các lớp tiếng Anh tại các trung tâm.

Chất lượng về đâu?

Đầu tháng 8 vừa qua, ĐH Văn hóa TPHCM đã hủy kết quả tốt nghiệp của 45 SV do sử dụng chứng chỉ TOEIC giả. Đại diện nhà trường cho biết, 45 SV này đều có học lực khá. Tuy nhiên nhiều em đã thi đến lần thứ 3, 4 mà vẫn không đậu chứng chỉ TOEIC 450 để ra trường nên mua chứng chỉ giả được rao bán trên mạng.

Những năm gần đây, nhiều ĐH, CĐ trên cả nước áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh, đây có thể là tín hiệu đáng mừng, vì điều này cho thấy việc đào tạo đã có sự chú trọng đến môn ngoại ngữ này. Tuy nhiên, một thực tế rõ “như ban ngày” là đang có hàng nghìn SV không tốt nghiệp được vì… nợ bằng Anh văn. Không ít trong số đó “đánh liều” mua bằng giả để mong được ra trường.

Vậy, liệu việc áp dụng chuẩn đầu ra Anh văn đó đã thực sự giúp người học đáp ứng nhu cầu xã hội, hay tất cả vẫn còn là hình thức? Liệu các chứng chỉ tiếng Anh đã thực sự mang lại hiệu quả khi hàng nghìn SV dù ra được trường nhưng vẫn không thể sử dụng tiếng Anh để làm việc?

Tình trạng báo động về việc HS không yêu thích môn lịch sử khiến các nhà giáo dục đau đầu, thế nhưng không ai nhìn nhận ra rằng mặc dù môn tiếng Anh được đầu tư, được chú trọng thế nhưng kết quả cũng chẳng khác gì môn lịch sử khi hàng nghìn bạn trẻ lãng phí 15 năm dùi mài để bước ra ngoài hoặc là mù tịt, hoặc là họ phải bỏ tiền đi học lại.

Đó cũng là lý do tại sao các khóa học tiếng Anh bên ngoài thu hút người học bằng những câu như “Bạn mất căn bản”, “Bạn không biết gì về tiếng Anh”. Là bởi họ đánh đúng tâm lý và nói vậy để thấy thực trạng người Việt đang “tái mù” tiếng Anh sau 15 năm đi học!

Theo laodong.com.vn