"Sức lao động là loại hàng hóa... rất đặc biệt!"
(Dân trí) - Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, thị trường lao động phải tác động, điều hòa quan hệ về cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường và phải vận hành ổn định cùng thị trường vốn, hàng hóa, dịch vụ.
Vừa qua, tại hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" của Chính phủ, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã chỉ ra 4 yếu điểm khiến lao động Việt chưa bắt kịp yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Thứ nhất, thị trường lao động phát triển nhưng chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết việc làm một cách bền vững.
Thứ hai, thị trường lao động có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực mà tác động của dịch Covid-19 là biểu hiện lớn nhất cho thấy sự mất cân đối cung cầu lao động một cách cục bộ.
Thứ ba, quan hệ cung cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Vì chưa quan tâm đầy đủ đến cơ cấu nên có thể đào tạo nhưng lại không sử dụng được vì không đào tạo theo nhu cầu của thị trường.
Thứ tư, vấn đề yếu nhất của Việt Nam hiện nay là kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường, tức công nghệ thông tin, chưa hiện đại.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, sức lao động là hàng hóa rất đặc biệt, khác với hàng hóa thông thường khác. Thị trường lao động là nơi mua bán sức lao động theo giá cả, năng suất lao động nên phải có yếu tố sản xuất đặc biệt và vận hành khách quan, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác.
Thị trường lao động phải tác động điều hòa quan hệ về cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường và phải vận hành ổn định cùng thị trường vốn, hàng hóa, dịch vụ để tạo nền tảng tăng trưởng.
Để thị trường lao động đạt được 5 yếu tố "Linh hoạt - Hiện đại - Bền vững - Hội nhập - Hiệu quả", T.S Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần vận hành hiệu quả cùng thị trường vốn, đất đai, hàng hóa, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu các rào cản với người lao động.
"Quan trọng nhất là thu hẹp được việc làm của khu vực phi chính thức. Điều này không có nghĩa là chuyển ồ ạt lao động của thị trường phi chính thức sang chính thức mà chuyển dần từng bước và có điều kiện", ông Lợi nêu quan điểm.
TS Bùi Sỹ Lợi cũng lập luận, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững. Theo đó, mục tiêu phát triển thị trường lao động chính là việc làm bền vững, thể hiện qua 6 yếu tố: Cơ hội người lao động có việc làm; điều kiện làm việc; năng suất lao động; bình đẳng; an toàn tại nơi làm việc; thu nhập thỏa đáng và bảo đảm BHXH, BHYT.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), TS Juergen Hartwig nhận định, Việt Nam đang trở thành quốc gia có triển vọng phát triển rất cao trong khu vực và việc Việt Nam có thể thực hiện được điều đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của người lao động. Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho năng suất lao động của Việt Nam.
"Cơ cấu thị trường đang thay đổi mạnh mẽ với tốc độ nhanh, ngày càng yêu cầu nhiều loại kỹ năng hơn. Do đó, Việt Nam phải có những chính sách linh hoạt, hướng tới tương lai và dựa trên bằng chứng để có thể sớm phát triển được thị trường lao động một cách phù hợp", TS Juergen Hartwig nhận định.
Theo ông này, Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề để cải thiện thị trường lao động. Thứ nhất, các chính sách của thị trường dựa trên bằng chứng và hướng tới tương lai. Thứ hai, dịch vụ thông tin việc làm và thị trường lao động để hỗ trợ cho cung và cầu. Thứ ba, cải thiện về chất và lượng của thị trường lao động qua đào tạo và giáo dục.
Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng khuyến nghị 6 vấn đề nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào các trường đại học chất lượng cao phù hợp chuẩn mực quốc tế phục vụ yêu cầu của công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp.
Đó là cải thiện quy định về việc làm để cho phép Chính phủ thiết kế, thực hiện, đánh giá các chính sách và chiến lược mới, hướng tới người lao động, người tuyển dụng lao động và người thất nghiệp.
Theo ông, bằng chứng là vấn đề quan trọng, Việt Nam cần phải hiểu điều gì có tác dụng và điều gì không có tác dụng.
Việt Nam cũng cần xây dựng kỹ năng cơ bản và kỹ năng số cho những nhà hoạch định chính sách để phân tích hiện trạng và theo đó có những chính sách phù hợp.
Cải thiện và số hóa thị trường việc làm để có những chính sách về thị trường lao động và kỹ năng hiệu quả. Cùng với đó là việc hiện đại hóa và cải thiện các dịch vụ việc làm công.
Vị chuyên gia đến từ Đức cũng khuyến nghị nâng cao chất lượng của lực lượng lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, gồm cả đào tạo ban đầu và suốt đời.