Sửa Luật Lao động: Học nghề, tập nghề có thu phí? Thời gian ra sao?

(Dân trí) - Trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012, một số nội dung về sự tham gia của người sử dụng lao động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được nêu rõ hơn, cụ thể về quy định học nghề, tập nghề.

Sửa Luật Lao động: Học nghề, tập nghề có thu phí? Thời gian ra sao? - 1

Theo đó, người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Về học nghề, dự thảo sửa đổi nêu rõ: Tổ chức học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành công việc tại nơi làm việc.

Người sử dụng lao động có thể tuyển người học nghề cho các công việc có yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao hoặc nghề chưa được đào tạo bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng phải đáp ứng các điều kiện.

Cụ thể, thời hạn học nghề không quá 6 tháng; cam kết tuyển dụng người học nghề làm việc cho mình nếu đủ 15 tuổi trở lên; phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề.

Về tập nghề, dự thảo nêu rõ: Đây là hoạt động của người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề tại nơi làm việc cho mình.

Người sử dụng lao động có thể tuyển người tập nghề nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau: Thời hạn tập nghề không quá 3 tháng; cam kết tuyển dụng người tập nghề làm việc cho mình nếu đủ 15 tuổi trở lên; phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề.

Doanh nghiệp tham gia “sâu” hơn trong đào tạo trung cấp, cao đẳng

Trao đổi với PV Dân trí về dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, cụ thể ở bậc trung cấp và cao đẳng.

Điều này đã được nhiều nước phát triển áp dụng thành công. Qua đó, nhà trường dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các những yêu cầu của thị trường lao động và người học cũng không bỡ ngỡ khi ra trường. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh.

“Ngay tại CHLB Đức, doanh nghiệp tham gia tới 70 % chương trình đào tạo. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng công nhân trước sau đó tuyển sinh người học trong số công nhân này” - ông Trương Anh Dũng đơn cử.

Muốn thực hiện được mô hình trên tại Việt Nam, ông Trương Anh Dũng cho rằng, cần thể chế hoá thông qua những quy định cụ thể trong lần sửa đổi Luật Lao động tới đây nhằm giúp doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng.

“Để làm được điều này cần cụ thể hoá nhiều yếu tố trong Luật, như: Người dạy học, doanh nghiệp cần có điều kiện ra sao, thời gian đào tạo…” - ông Trương Anh Dũng.

Hoàng Mạnh