"Sốc" với so sánh lương cử nhân với cô bán hủ tiếu kiếm 800 ngàn đồng/ngày
(Dân trí) - Tình huống so sánh cử nhân ra trường đi làm 10 năm nhưng thu nhập thua cả cô hủ tiếu được rất nhiều người phân tích, chia sẻ. Tuy nhiên, sự so sánh đều mang tính khập khiễng.
"Em học xong đại học, tiếng Anh giao tiếp được. Nhưng hiện tại thu nhập 10 năm đi làm thấp hơn chị bán hủ tiêu ăn sáng trước nhà. Mỗi ngày bán 80 tô, giá 30.000 đồng/tô. Sau khi trừ các chi phí, chị thu về trọn 800.000 đồng/ngày...".
Đó là tình huống và cũng là câu hỏi được đặt ra trên một diễn đàn về tài chính thu hút rất nhiều ý kiến và hàng loạt chia sẻ.
Trên thực tế, so sánh này không phải là vấn đề xa lạ. Có nhiều tình huống tương tự đã được nhắc đến như lương giáo viên không bằng giúp việc nhà, nhân viên văn phòng không bằng chú bán cà phê trước hẻm...
Nhiều ngành nghề cần có bằng cấp, trau dồi về trình độ nhưng đi làm nhiều năm, thu nhập thấp hơn nhiều công việc phổ thông, tự do.
Có thể không phải tất cả nhưng từ sự chênh lệch như vậy, ít nhiều gần đây xuất hiện tâm lý không cần theo đuổi con đường học hành, tri thức.
Ngọc Thu, 30 tuổi, nhân viên tại một trung tâm Anh ngữ ở TPHCM, dẫn chứng ngay chính bản thân. Tốt nghiệp đại học được 7 năm, thu nhập của cô là 13 triệu đồng/tháng, sống trọ ở thành phố rất chật vật.
Cô được học hành cao nhất trong nhà nhưng giờ mỗi lần về quê vẫn được anh chị, buôn bán ở quê dúi tiền cho thêm.
"Mẹ tôi còn nói, biết vậy ngày trước ở nhà đi buôn. Học hành tốn kém mà giờ đến nuôi thân còn không xong. Còn mấy anh chị, nghỉ học sớm, ở nhà buôn bán, toàn nhà lầu xe hơi", Ngọc Thu cho hay.
So sánh khập khiễng
Bàn thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Trọng Nhân - họa sĩ thiết kế đồ họa tại Vũng Tàu - chia sẻ: "Khi quảng bá về giáo dục đại học, ít nhiều tôi đã nhận được những câu hỏi về lương của cử nhân đôi lúc thua các cô chú bán hủ tiếu...".
Chính vì sự chênh lệch này nên một số người theo đuổi tri thức thường nản và cả chạnh lòng vì không thấy lợi ích, ăn học 4 năm trời nhưng có thể thu nhập thua người không học hành.
Nhưng theo anh, đây là cách nhìn nhận chưa toàn diện vì bản chất khác nhau.
Nhân viên là người làm công ăn lương, còn cô bán hủ tiếu là người chủ một mô hình kinh doanh. Sự so sánh "đầu ra" thu nhập nhưng không tính tới xuất phát điểm cũng như các yếu tố liên quan khác sẽ khó có thể sòng phẳng được.
Phân tích sâu hơn, anh Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ: "Nhân viên văn phòng làm 8 tiếng mỗi ngày rồi đi về, thường mỗi tuần làm 5 ngày. Mỗi năm được nghỉ phép 1-2 tuần có lương. Chế độ bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Chưa kể khả năng thăng tiến và tăng lương luôn rộng mở. Bắt đầu thì chỉ 6 triệu đồng nhưng từ từ sẽ lên 10 hoặc 20 triệu đồng".
Với cô bán hủ tiếu phải làm việc 12 tiếng, thời gian đứng bán chỉ một phần, còn phải thức sớm chuẩn bị. Mỗi tuần chắc làm không nghỉ ngày nào. Cũng không có ngày nghỉ phép được trả lương, không có bảo hiểm. Khi có vấn đề gì về sức khỏe hay nghỉ làm thì bản thân tự chịu.
Rõ ràng, để có mức thu nhập đó, cô phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian. Cô còn phải gánh nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi còn không tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
"Tính cụ thể sẽ thấy: Mỗi ngày cô bán hủ tiếu thu 800.000 đồng, mỗi tháng 24 triệu đồng. Nếu cô chỉ làm 5 ngày/tuần hoặc 20 ngày/tháng là 16 triệu. Rồi nếu tự đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì mức thu nhập chỉ còn khoảng 11 triệu đồng..." - anh Nguyễn Trọng Nhân nói.
Cũng chia sẻ về đề tài trên, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bày tỏ: "Tôi mang tiếng là giám đốc nhưng lương, thưởng, các khoản nếu so sánh, chưa bằng những người bán chuối chiên đắt khách..."
Vậy điều gì níu giữ vị giám đốc với công việc hiện tại?
"Nhưng điều quan trọng nhất là tôi vẫn rất yêu công việc và thấy sống được bằng nghề này" - ông Phạm Thái Sơn bộc bạch.
Theo ông Phạm Thái Sơn, mọi so sánh đều khập khiễng. Giá trị công việc mang lại với mỗi người không chỉ là thu nhập mà còn là những giá trị mà bạn hướng đến. Nhiều giá trị không đo được bằng tiền như tình yêu với công việc, phát triển bản thân, cơ hội tiếp cận tri thức, môi trường sống, nuôi dạy con cái...
Mỗi công việc đều có giá trị riêng
Anh Nguyễn Trọng Nhân quan điểm, mỗi công việc đều có giá trị riêng. Nhưng tri thức luôn thắng trong dài hạn, bạn trẻ đừng tập trung vào cái ngắn hạn. Việc đầu tư vào nền tảng giáo dục cho cá nhân chưa bao giờ là sai lầm.