Số liệu việc làm Mỹ sẽ tác động ra sao đến giá vàng?
Các số liệu việc làm tháng 8 của Mỹ được công bố cuối tuần này, đặc biệt là số liệu việc làm phi nông nghiệp, có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng.
Việc FED thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ theo hướng duy trì lãi suất siêu thấp, tiếp tục thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn, bất chấp áp lực lạm phát, đã đẩy giá vàng quốc tế tăng mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần này.
Theo đó, giá vàng quốc tế đã có thời điểm tăng lên tới mức 1.992USD/oz, từ mức mở cửa tuần tại 1.954USD/oz. Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng bật tăng từ mức 56,8 triệu đồng/lượng lên mức 57,7 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, số liệu sản xuất công nghiệp Mỹ tháng 8 được công bố ở mức 56 điểm- mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của nước này tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế bất chấp dịch bệnh.
Điều này đã giúp USD bật tăng từ mức thấp trong 2 năm, theo đó USD index đã tăng từ 91 điểm lên 92,6 điểm, đồng thời đẩy giá vàng giảm mạnh từ 1.992USD/oz xuống tới mức 1.940USD/oz. Trong khi giá vàng miếng SJC cũng giảm từ 57,7 triệu đồng xuống mức 57,2 triệu đồng/lượng.
Trong 2 ngày cuối tuần này, Mỹ sẽ công bố một số chỉ số việc làm rất quan trọng, như số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập hàng giờ…
Trong đó, NFP là số liệu quan trọng nhất, được công bố vào ngày 4/9 tới, thường tác động mạnh nhất đến USD và giá vàng. Số lượng việc làm NFP tháng 8 dự kiến đạt mức gần 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, so với mức 1,76 triệu việc làm trong tháng 7 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi vào tháng 5.
Tuy nhiên trên thực tế, dù làn sóng dịch COVID-19 lần 2 bùng phát, nhưng các số liệu kinh tế Mỹ được công bố vừa qua vẫn ở mức khả quan, trong đó đáng chú ý nhất là PMI sản xuất công nghiệp vừa được công bố.
Bên cạnh đó, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trong những tuần qua đều có xu hướng giảm dần. Đặc biệt, số liệu này trong tuần kết thúc vào ngày 28/8 dự kiến sẽ giảm xuống còn 950.000 đơn, cho thấy thị trường lao động Mỹ đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Ngoài ra, hoạt động tuyển dụng ở Mỹ đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong 4 tháng qua, mặc dù các chỉ số của thị trường lao động vẫn đang ở mức mà nếu trong điều kiện bình thường sẽ cho thấy thu hẹp trong số lượng việc làm mới.
Từ thực tế trên cho thấy, số liệu NFP tháng 8 của Mỹ có thể sẽ đạt, thậm chí vượt mức dự báo gần 1,4 triệu việc làm. Kể cả tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 cũng có thể giảm xuống mức 9,8% như dự kiến.
Nếu NFP khả quan hơn mức dự kiến, giá vàng có thể sẽ chịu thêm cú sốc tiếp theo sau số liệu PMI sản xuất công nghiệp, có thể xuống sát 1.900USD/oz, hoặc thấp hơn.
Bởi với quan điểm chính sách mới của FED, thì thị trường lao động Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Ngược lại, NFP giảm mạnh hơn dự kiến, sẽ đẩy giá vàng tăng, nhưng không quá mạnh, khó vượt 2.000USD/oz.
Ông Adrian Day, CEO của Tập đoàn quản lý tài sản Adrian Day, cho rằng giá vàng trong ngắn hạn vẫn sẽ tiếp tục bị tác động trực tiếp bởi các số liệu kinh tế Mỹ; căng thẳng Mỹ- Trung; thông tin về dịch COVID-19, đặc biệt là vaccine phòng ngừa dịch bệnh này… Nhưng về trung và dài hạn, giá vàng có thể sẽ tăng mạnh vì áp lực lạm phát.